“Xây dựng hệ thống và cơ sở dữ liệu thiết kế giàn đầu giếng tại Việt Nam” là 1 trong 14 công trình khoa học công nghệ (KHCN) tiêu biểu do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) thực hiện và để lại dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực kinh tế - quản lý của ngành Dầu khí 5 năm qua. Sự thành công của công trình KHCN này đã khẳng định năng lực làm chủ KHCN trong việc thiết kế giàn đầu giếng của các chuyên gia, kỹ sư, quản lý người Việt tại PTSC M&C. Hành trình gian nan Để đạt được những thành công trong công tác thiết kế, PTSC M&C đã trải qua một hành trình đầy gian nan, thử thách, có cả những thất bại và bài học kinh nghiệm sâu sắc. Từ năm 2008, PTSC M&C đảm nhận vai trò tổng thầu một loạt dự án EPCIC gồm thiết kế, mua sắm, chế tạo, vận chuyển lắp đặt và đấu nối chạy thử ngoài biển cho các khách hàng Cửu Long JOC, PCVL, Premier Oil (các dự án STDNE, Topaz, Pearl, Chim Sáo). Tuy nhiên, một số phạm vi công việc, trong đó có công tác thiết kế chi tiết phải thuê nhà thầu nước ngoài thực hiện. Đây cũng là thực trạng chung của ngành cơ khí dầu khí tại thời điểm đó khi năng lực thiết kế cho công trình dầu khí của Việt Nam còn rất hạn chế. Tất cả các công trình giàn đầu giếng (wellhead platform) ở trong nước đều phải thuê các công ty thiết kế nước ngoài thực hiện. Công tác thiết kế tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị gói thầu EPCIC của PTSC M&C nhưng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu đầu vào, trực tiếp ảnh hưởng lớn đến công tác mua sắm, thi công, tiến độ, chất lượng của dự án. Vì vậy, nó mang ý nghĩa quyết định cho sự thành công của công tác đấu thầu và triển khai thực hiện các dự án EPCIC. Việc thiếu năng lực thiết kế khiến cho các đơn vị cơ khí dầu khí trong nước mới chủ yếu thực hiện phần gia công, lắp ráp mà chưa làm chủ được toàn bộ công nghệ, tất cả còn phụ thuộc vào nước ngoài và không đủ năng lực thắng các gói thầu cạnh tranh EPCIC với các nhà thầu quốc tế. Với mong muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và hướng tới phát triển bền vững, PTSC M&C đã đặt ra mục tiêu phát triển thành tổng thầu EPCIC hàng đầu trong khu vực và đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài trong các dự án quốc tế. Nhận thấy các nhà thầu EPCIC lớn trong khu vực như McDermott, SAIPEM, Nippon Steel... đều có khả năng tự thực hiện tất cả các hạng mục công việc, đặc biệt các nhà thầu này rất mạnh về khâu thiết kế, Ban Giám đốc PTSC M&C đã đặt mục tiêu chiến lược phải phát triển năng lực thiết kế, lấy đó làm trọng tâm để nâng cao năng lực tổng thầu EPCIC cho các công trình dầu khí với mục tiêu cụ thể là “Tự thực hiện thiết kế giàn đầu giếng vào năm 2015”. Chính quyết định mang tính đột phá này đã mang lại thành quả về sau của PTSC M&C. Theo ông Bùi Hoàng Điệp, Phó giám đốc PTSC M&C thì lúc này, ban lãnh đạo vừa cử nhân sự sang đào tạo tại các công ty thiết kế nước ngoài vừa học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác như McDemott, MESPL, Aker Kvaerner, Nippon Steel và nghiên cứu các hệ thống của các công ty thiết kế lớn như Worley Parson, Technip, Aker Solution... Anh Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Thiết kế PTSC M&C là một trong những cán bộ thuộc thế hệ đầu tiên sang các công ty nước ngoài “học việc” chia sẻ: “Lúc này PTSC M&C cho người sang các công ty này làm việc theo kiểu vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, PTSC M&C xác định việc xây dựng hệ thống thiết kế chi tiết và cơ sở dữ liệu là công việc hết sức quan trọng, có tính quyết định đến sự phát triển bền vững về năng lực thiết kế vì đây chính là cơ sở hạ tầng cho toàn bộ các hoạt động thiết kế, còn năng lực của từng nhân sự có thể dễ dàng bù lấp bằng cách thuê hoặc đào tạo dần”. Vì thế PTSC M&C đã chú trọng vào việc xây dựng hệ thống quy trình và cơ sở dữ liệu để phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, song song với việc tuyển dụng, đào tạo nguồn lực thiết kế, thuê chuyên gia nước ngoài về để vừa làm vừa đào tạo, và nhằm thay thế hoàn toàn người nước ngoài để tự thực hiện các công việc thiết kế bằng 100% nguồn lực người Việt Nam của PTSC M&C. Nói thì dễ nhưng quá trình thực hiện không hề đơn giản, để xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) đồ sộ gồm 793 tài liệu gồm bảng tính tự động, hướng dẫn công việc, tài liệu chuẩn hóa, các phần mềm kiểm soát thiết kế tự viết, tổng hợp phân tích các bài học kinh nghiệm, PTSC M&C đã trải qua 4 năm làm việc liên tục với sự tham gia của hơn 100 kỹ sư. Đến thời điểm này, CSDL thiết kế giàn đầu giếng đã hoàn thành, phục vụ tất cả các hoạt động thiết kế chi tiết giàn đầu giếng và thiết kế công trình ngầm (pipeline). Hiện nay, PTSC M&C đang tiếp tục xây dựng CSDL phục vụ thiết kế giàn công nghệ trung tâm và các Module công nghệ thượng tầng FPSO. Mô hình thiết kế các Modules công nghệ cho Dự án Ghana FPSO do PTSC M&C thực hiện Trong quá trình học hỏi để xây dựng hệ thống thiết kế, PTSC M&C đã nhận thấy nhược điểm của hệ thống nhiều công ty thiết kế nước ngoài, kể cả các công ty thiết kế có uy tín trên thế giới là công tác thủ công quá nhiều dẫn đến sự chậm trễ trong các khâu thiết kế và nguy cơ cao xảy ra các lỗi hệ thống do yếu tố chủ quan, làm tắt quy trình của con người. Từ đó, PTSC M&C đã mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư và áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý và vận hành các quy trình thiết kế thông qua giải pháp EDMS. Việc áp dụng thành công hệ thống EDMS vào quản lý thiết kế Dự án H5 cho chủ đầu tư Hoàng Long JOC và thiết kế các Modules công nghệ cho Dự án Ghana FPSO đã khẳng định năng lực thiết kế của PTSC M&C trên thị trường quốc tế. Bài toán nguồn lực Ông Bùi Hoàng Điệp chia sẻ, nhân lực thiết kế có trình độ, kinh nghiệm ở Việt Nam không nhiều. Những nhân sự giỏi thường được các công ty nước ngoài mời chào với mức lương hấp dẫn và chuyện chảy máu chất xám là khó tránh khỏi. Trong khi việc thuê các chuyên gia nước ngoài hết sức tốn kém và không lâu dài, không đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Vì thế để đạt được mục tiêu tựthực hiện thiết kế giàn đầu giếng, có nghĩa là phải thực hiện được bằng 100% nguồn lực là người Việt Nam là một bài toán không dễ giải đối với PTSC M&C. Việc xây dựng thành công hệ thống cơ sở dữ liệu đã giúp kỹ sư mới có thể nhanh chóng nắm bắt và thực hiện được công việc. Qua đó, PTSC M&C đã đào tạo được lực lượng kỹ sư trẻ, khắc phục và hạn chế được các tác động xấu do việc thay đổi nhân sự gây ra. PTSC M&C đã thay thế hoàn toàn lực lượng chuyên gia nước ngoài, đảm bảo được sự phát triển bền vững của đơn vị. Trưởng phòng Thiết kế Nguyễn Anh Dũng cho biết, nhờ có CSDL thiết kế, các kỹ sư mới có thể nhanh chóng tiếp cận, học hỏi, nắm bắt và thực hiện được các công việc thiết kế trong thời gian ngắn nhất. CSDL này cùng với hệ thống thiết kế EDMS là nền tảng đảm bảo sự phát triển bền vững về năng lực thiết kế của đơn vị cho dù PTSC M&C đã có rất nhiều biến động về nhân sự thiết kế ở tất cả các cấp (chuyên gia, kỹ sư trưởng, kỹ sư có kinh nghiệm) trong suốt thời gian qua. Năm 2014, PTSC M&C đã hoàn thành nhiệm vụ thiết kế chi tiết giàn đầu giếng trước thời hạn 1 năm khi thực hiện thành công Dự án Sư Tử Vàng Đông Nam và Dự án Tê Giác Trắng H5. Cho đến nay, PTSC M&C là đơn vị duy nhất tự thực hiện thiết kế giàn đầu giếng và Modules công nghệ FPSO bằng nguồn nhân lực kỹ sư Việt Nam, mang dịch vụ thiết kế ra nước ngoài. Đó là minh chứng rõ nét, khẳng định năng lực thiết kế của PTSC M&C đã đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, được các khách hàng nước ngoài công nhận. Qua đó, khẳng định sự sáng suốt của lãnh đạo công ty và nỗ lực của các kỹ sư thiết kế trong việc tập trung xây dựng CSDL thiết kế giàn đầu giếng và hệ thống quản lý thiết kế tự động. Kết quả này mang ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với riêng tập thể PTSC M&C mà còn đối với cả ngành công nghiệp dịch vụ dầu khí quốc gia khi mà năng lực cạnh tranh và làm chủ công nghệ được xem là yếu tố sống còn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn : Năng lượng mới