Nhân dịp cuối năm, xin mạn post một bài viết trên Petrotimes về gia đình của hai ông anh (thế hệ thứ 2) về gia đình - những người làm về nghành dầu khí để chia sẻ với anh em - những người trẻ cùng hiểu hơn về ngành nghề mà chúng ta đang làm, đang theo đuổi. Người "dầu khí" - những gia đình 36 Họ là bạn học cùng trường Ba Cu, ở quê hai làng cách nhau một cánh đồng, cùng ra trường, cùng về Đoàn 36, cùng gắn bó với ngành Dầu khí từ buổi đầu thành lập cho đến khi về hưu. Thừa hưởng tình yêu với nghề, con cái của họ tiếp nối bố mẹ cũng hít thở sóng gió giàn khoan, cũng hầm sâu biển rộng, cũng gắn bó với nhau bởi một thứ tình bạn tựa như được hình thành từ trong bụng mẹ. Những gia đình 36, là một câu chuyện đời thường giản dị nhưng vô cùng đặc biệt mà có lẽ chỉ có ở ngành Dầu khí vốn dĩ mang đậm những tính cách, những đòi hỏi đặc thù. Mối tình 40 năm… 40 năm là quãng thời gian họ gặp nhau, kết bạn từ khi tóc còn xanh cho đến khi tóc trắng mái đầu. Cũng có lúc tranh cãi kịch liệt về một chi tiết nào đó mốc thời gian nào đó trong lịch sử phát triển của ngành, của Đoàn 36, nhưng ở họ, luôn khiến một hậu bối như tôi cảm nhận đầy đủ rõ ràng và sâu sắc một tình cảm mãnh liệt cháy bỏng đối với ngành, với nghề và đối với nhau. Ông Đào Quang Hòa, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Địa vật lý thuộc Liên doanh Vietsovpetro là cựu sinh viên chuyên ngành địa vật lý giếng khoan của Đại học Ba Cu. Còn ông Lê Văn Thái, nguyên Kỹ sư trưởng Phòng Địa chất thuộc bộ máy điều hành Xí nghiệp Khai thác Dầu khí của Vietsovpetro là cựu sinh viên ngành địa chất cùng trường. Hai ngành học khác nhau, nên khi ra trường, cuộc đời họ cũng rẽ theo những con hẻm khác nhau. Nhưng rồi tựa như số phận, cuối cùng, họ vẫn gặp lại nhau, sống trong một thành phố, làm việc tại một liên doanh. Ông Đào Quang Hòa (trái) và ông Lê Văn Thái cùng ôn lại kỷ niệm thời kỳ làm việc ở Đoàn 36 Năm 1973, sau khi ra trường, ông Đào Quang Hòa đầu quân về đội Địa vật lý của Liên đoàn Địa chất 36 đóng ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Thời gian đầu, ông được phân công về trạm carota khí tại giếng khoan Quang Bình. Thời gian đó, công việc chủ yếu của ông là theo dõi quá trình khoan, chỉ số khí cacbuahydro, tốc độ khoan, về sau chuyển sang carota tổng hợp bằng các phương pháp siêu âm, điện, phóng xạ cảm ứng… Năm 1983, lại một lần nữa cả hai ông Đào Quang Hòa và Lê Văn Thái cùng được cử đi thực tập ở Liên Xô. Năm 1985, ông Hòa chuyển công tác vào Vũng Tàu, làm Đội phó Đội carota tổng hợp Giàn khoan MSP 1 Bạch Hổ - giàn khoan đầu tiên của Liên doanh Vietsovpetro. Năm 1990, về làm Trưởng phòng Kỹ thuật Sản xuất của Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan cho đến khi nghỉ hưu, năm 2008. Vợ ông - bà Lê Thị Thiện, cũng học cơ khí hóa dầu ở Liên Xô về và cùng công tác tại Liên Đoàn 36 từ năm 1973. Tôi hỏi: “Thế bác có đi giàn không?”. Ông cười sảng khoái: “Đi giàn chứ, chiến đấu chứ? Đời tôi, từ khi đi học và đi làm đều làm catora tổng hợp. Một giàn khoan có 16 giếng, muốn khoan không chạm vào nhau, hoặc có đáy cách chiều thẳng đứng 2-3km, để hút được nhiều dầu thì cần định hướng cho đội khoan xiên đi đúng tọa độ”. Nói nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất là ngồn ngộn những tiểu tiết đòi hỏi phải có độ chuẩn xác gần như tuyệt đối. Thú thực, gần một buổi sáng ngồi cùng ông hàn huyên chuyện nghề tại nhà của cô con gái ông cũng làm cho một công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí ở TP HCM, tôi ù ù cạc cạc nghe đủ thứ chuyện về carota tổng hợp, về bắn mìn, về khoan, về các thuật ngữ kỹ thuật dầu khí được ông nhiệt tình phân tích tỉ mỉ, kiến giải rõ ràng cứ như thể bên cạnh ông, trước mặt chúng tôi chính là một cái giếng khoan vậy. Nhưng tôi có thể cảm nhận một cách sâu sắc, đằng sau những thông số kỹ thuật lạ lẫm đó, đằng sau những câu chuyện khoan chuyện giàn lạ lẫm đó, là một bầu tâm huyết sục sôi không cạn vơi với nghề. Cho dù ông vẫn có lúc lắc đầu thừa nhận: công việc nguy hiểm lắm, toàn tia phóng xạ đến chất nổ, không may mà nổ mìn thì cứ gọi là tan luôn cả giàn, rồi sóng gió sảy chân, rồi áp suất khí, rồi… kết luận: ở cái ngành này (địa vật lý giếng khoan) không có chuyện rút kinh nghiệm, vì nếu để xảy ra sai sót thì người đã chết rồi, còn đâu mà sửa sai hay rút kinh nghiệm. Bởi thế, mỗi việc làm, mỗi hành vi đều phải hết sức cẩn thận, cẩn thận đến mức tuyệt đối. Để làm tốt công việc, phải suy nghĩ lường trước mọi tình huống của công việc, vì “không lúc nào chủ động được cháu ạ, tính toán ngày mai xong chưa chắc đã xong, đôi khi còn xảy ra những tình huống ngoài dự kiến nên đều phải có cách đề phòng ứng phó cho tốt”. Khác với ông Đào Quang Hòa, công việc của ông Lê Văn Thái ít nhiều nhàn nhã hơn, an toàn hơn. Sau khi ra trường, ông Thái về Hưng Yên nhận công tác ở Đoàn chuyên đề 36B. Thời kỳ đầu thành lập, Liên Đoàn 36 được chia thành các đoàn nhỏ, như 36B chuyên đề, 36F địa chấn, 36K khoan sâu, 36S thăm dò khoáng sản… Năm đó, ông Thái công tác ở Phòng Kỹ thuật, Đoàn chuyên đề 36 thuộc Tổng cục Địa chất, tiền thân của Viện Dầu khí sau này. Buổi đầu chủ yếu làm các báo cáo chuyên đề về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Bồn trũng Sông Hồng, cơ bản là mày mò vừa học vừa làm. 3 năm ở Hưng Yên, rồi Liên đoàn chuyển về Thái Bình, ông Thái lại một mình một hành trang quang gánh song hành cùng mỗi bước phát triển của Đoàn 36, của ngành Dầu khí. Năm 1976, ông chuyển công tác về Vụ Kỹ thuật thuộc Tổng cục Dầu khí đóng tại Hà Nội. Chủ yếu là theo dõi công tác kỹ thuật của các đoàn các công ty như 36C, Công ty 1 Công ty 2, Đoàn Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề địa chất. Hồi đó chưa có khai thác, chủ yếu là thăm dò tìm kiếm. Năm 1988, do nhu cầu mở rộng sản xuất và thành lập Xí nghiệp Khai thác Dầu khí trên cơ sở Đội Khai thác thuộc Liên doanh Vietsovpetro, theo điều động của tổ chức ông chuyển vào Vũng Tàu, làm Kỹ sư trưởng Phòng Địa chất thuộc Bộ máy điều hành Xí nghiệp Khai thác của Vietsovpetro cho đến năm về hưu, 2008. Suốt sự nghiệp đằng đẵng gần 40 năm của mình, dù trải qua nhiều biến động, nhiều đơn vị công tác nhưng ông Lê Văn Thái vẫn gắn bó với duy nhất một công việc, đó là tập trung minh giải các tài liệu làm báo cáo chuyên đề. Có đi giàn thì cũng chỉ đi với tư cách kiểm tra thông số địa chất khai thác. Tôi hỏi làm hoài một việc bộ ông không thấy chán sao? Ông lắc đầu cười hiền hậu: “Có tình đồng nghiệp cùng học hành một thế hệ cùng công tác một nơi, luôn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Hơn nữa, còn có lòng yêu nghề, say mê, có động lực công tác, dù hoàn cảnh nào điều kiện nào cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ngành Dầu khí có từ năm 1961, nhưng mãi đến năm 1986 mới có dầu, nên có thể nói, cho đến 200 triệu tấn khai thác được của riêng Vietsovpetro ngày hôm nay thực sự là kỳ tích. Không chỉ bản thân mà cả đất nuớc đều có hy vọng và thực sự đã đổi thay nhờ dầu”. Đó cũng là động lực để mỗi người làm trong ngành Dầu khí, nhất là những cựu cán bộ 36 năm xưa luôn hăng hái bắt tay vào làm việc, không quản ngại bất kỳ thử thách, gian khổ nào. Phần lớn thời gian ông làm việc tại văn phòng, dù tính chất công việc không vất vả bằng địa vật lý giếng khoan, nhưng cần sự chuyên sâu hơn để minh giải liên kết tất cả các dạng tài liệu, khoa học ứng dụng trong dầu khí. Thời đó, chỉ có một đơn vị là Công ty 1 và Đoàn chuyên đề có chuyên gia làm việc này. Đoàn có hẳn một phòng giao tế dành cho người nước ngoài. So sánh lúc nào cũng khập khiễng, càng chẳng thể nói việc nào quan trọng hơn việc nào, nên cả hai ông đều khẳng định: nó là mắt xích không thể thiếu của cả quá trình tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí (giờ thì có thêm chế biến). Nguy hiểm, khó khăn chồng chất, vậy điều gì đã gắn bó các ông với ngành này lâu đến thế, bền bỉ đến thế - tôi lại hỏi. Và câu trả lời vẫn như cũ, nhẹ tênh: tình đồng đội, ở lán trại trên rừng nghèo khổ vất vả nhưng có niềm vui công việc, có sự thỏa mãn những sáng tạo cá nhân, có cả niềm hân hoan khó tả thành lời sau một việc khó nhưng mình cùng đồng đội đã vượt qua được. Và có lẽ bởi thế, đã dần dần hình thành nên những gia đình dầu khí cha truyền con nối, thuận vợ thuận chồng, dù cha vẫn biết truớc là hiểm nguy, chồng cũng tường tận những gian khổ… Thế hệ thứ hai Con trai của ông Lê Văn Thái được đặt tên theo một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm dầu khí của mình: Lê Quang Bình. Quang Bình là tên giếng khoan thăm dò số 1, giếng khoan đầu tiên để tìm mỏ, bắt đầu vào đầu năm 1974, cuối 1974 thì mở xong. Anh Lê Quang Bình sinh đúng vào năm khoan mở giếng, vốn không phải học chuyên ngành dầu khí, nhưng có lẽ ngấm trong máu tình yêu với dầu nên đã tha thiết xin bố được vào công tác trong ngành Dầu khí. Sau khi anh Bình tốt nghiệp đại học, thể theo nguyện vọng của bố muốn con có nhiều thời gian va chạm thực tế, nên anh Bình trở thành kỹ sư cơ khí trên Giàn số 1 mỏ Bạch Hổ trong suốt 8 năm, sau đó về Xí nghiệp Khai thác công tác và hiện nay là chuyên trách công đoàn của Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro. Ông Đào Quang Hòa tại giếng khoan tìm kiếm số 1 (3.200m) xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, tháng 2/1974, chụp cùng chuyên gia Liên Xô (cũ) Vợ của ông Lê Văn Thái vốn không phải là người dầu khí, bà là giáo viên ở quê, lặn lội thân cò quãng vắng gánh cả hai vai việc nước - việc nhà, đối nội - đối ngoại để chồng an tâm hết Hưng Yên lại Thái Bình, hết Hà Nội rồi Vũng Tàu… Mãi đến năm 1990 cả gia đình mới đoàn tụ dưới một mái nhà, thì năm 1991, bà lại đi giàn, làm trên Giàn 2 mỏ Bạch Hổ trong 10 năm. Hai mẹ con cùng đi giàn, nên có những quãng thời gian, mẹ về thì con đi, hoặc ngược lại, cả nhà lúc nào cũng trong tình cảnh balô lộn ngược nhảy… tàu trực thăng! Bén duyên với nghề dầu khí sớm hơn anh Lê Quang Bình cả mấy chục năm, anh Đào Đức Quang, con trai ông Đào Quang Hòa vẫn hay đùa vui mình có lẽ là người đi giàn trẻ tuổi nhất ngành Dầu khí. Số là cha làm nghề địa vật lý, bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng lên đường đi giàn, đi giếng, đi mỏ, trùng ngày mẹ cũng đi công tác, nên từ khi 5 tuổi anh Quang đã được theo chân cha đi làm, đã nhìn thấy giếng khoan, đã ngửi thấy mùi khí, sau này lớn lên chọn dầu khí để lập nghiệp cũng là điều tất yếu. Anh Đào Đức Quang, cũng sinh năm 1974, hiện nay công tác tại Xí nghiệp Khai thác Dầu khí, Liên doanh Việt Nga Vietsopetro. Có một kỷ niệm thật xúc động của hai gia đình, năm 2010, nhân dịp Vietsovpetro khánh thành nhà truyền thống Bác Hồ ở xã anh hùng Nam Cường, huyện Tiền Hải, hai anh Bình và Quang lại cùng được về Thái Bình thăm lại “chiến trường” xưa, nơi trước đây thế hệ cha mình đã đi qua, đã cống hiến tuổi trẻ tìm kiếm nguồn tài nguyên cho tổ quốc. Hai cái tên Quang - Bình của hai anh cũng chính là kỷ niệm gắn liền với giếng khoan số 1 - giếng khoan Quang Bình năm xa xưa đó. Vợ chồng con cái dâu rể, thậm chí thông gia cũng là người dầu khí, khó có thể kể hết những kỷ niệm những mối duyên tình gắn bó của họ đối với nghề trong một bài báo. Chia tay những gia đình 36, thốt nhiên, tôi nhận ra rằng, mình cũng nhớ giàn khoan biết bao, nhớ sao trời nháy sáng, nhớ cháy nắng gắt gao, nhớ ầm ào gió thổi, nhớ mùi dầu khen khét, nhớ tiếng máy rầm rì suốt ngày đêm… Tôi, một kẻ hậu bối chỉ thi thoảng đi giàn lấy tin viết bài mà còn thấy cồn cào ruột gan nỗi nhớ giàn thì hỏi sao những người dầu khí đã gắn bó với công việc này tới bốn mươi năm, đồng hành cùng con cái mình thêm mười năm hai mươi năm lại không yêu giàn khoan, không đau đáu với từng dòng dầu chắt lên từ đáy thẳm sâu đại dương kia được? Gian khổ kể không hết và cũng chẳng ai kể, họ đã và chỉ say sưa với những câu chuyện nghề, liên tu bất tận. Như ngọn lửa trên giàn luôn và mãi rực cháy! Le Chi