Dù đã được anh dặn dò chu đáo và kỹ lưỡng trước khi về thăm quê, em vẫn nhiều phen dở khóc dở cười trước những tình huống bi hài không có trong “giáo trình” anh “giảng”. Chuyện khó nói đầu tiên là cái toilet. Gọi là toilet cho oai chứ nó chỉ được quây bằng bốn tấm cót cao ngang ngực, gió lộng bốn bề. Ngồi trong đó mà cứ đưa nguyên bản mặt ra ngoài, mắc cỡ gần chết. Đã vậy, bà con đi qua đi lại thấy cô dâu mới còn dừng lại... chào hỏi rất chi rôm rả và nhiệt tình. Khó nói thứ hai là chuyện tắm. Nhà không có phòng tắm, em cứ phải đợi tối mịt mới lò dò ra giếng, mặc nguyên quần áo mà xối ào ào. Giếng nằm giữa vòm tre trúc um tùm, em vừa xối vừa run. Run vì gió lạnh đã đành. Em còn run vì... sợ ma nữa. Chuẩn bị cho chuyến ra mắt lần này, em đã cố tập nghe và hiểu chất giọng trọ trẹ quê anh. Vậy mà ngay bữa tối đầu tiên ở nhà chồng, khi mẹ bảo em: "Lấy cho mạ cái nắp bờn", em đã ngớ người ra. Hóa ra, ngoài những thứ ngôn ngữ trong sách vở, còn có một thứ ngôn ngữ chỉ dùng riêng trong nhà do kỵ húy. Những tên gọi trùng với tên của những người lớn tuổi đã khuất phải được nói trại đi để tỏ lòng tôn kính. Và thế là em học được từ mẹ và anh những từ thật ngộ: Nắp bờn là nắp bàn (nắp nồi), con càng chính là con kiến, hũ tao đích thị là hũ tiêu... Dù vậy, quê chồng trong mắt đứa con gái thành phố như em là một thế giới mới, đầy những khám phá thú vị và hấp dẫn. Em đã vui như đứa con nít khi theo mẹ ra chợ. Chợ quê, nghèo mà đầm ấm nghĩa tình. Tôm cá nhảy lách tách trong những rổ tre lấm bùn. Rau trái tươi xanh, mỡ màng. Những người bán hàng thuần hậu, chất phác. Em chọn mua một miếng mít tươm mật và bật cười khi thấy người bán ra giá tám trăm đồng. Nhận hai trăm đồng thối lại được gói kỹ trong mấy lần áo sờn bạc của o bán hàng, em nghe cay nơi khóe mắt. Về thành phố, em biết làm gì với hai trăm đồng? Mẹ còn dẫn em đi thăm ruộng và dạy em cả cách làm phép đuổi chuột trên đồng. Cầm cây roi tre vung vẩy đi quanh thửa ruộng, em vừa đi vừa lẩm bẩm câu thần chú dọa nạt: "Chuột nhỏ chuột to, có mang con so, thèm ăn thịt chuột" (mẹ bảo làm vậy Ông Tý sẽ sợ mà không cắn lúa). Bàn chân trắng mịn của đứa con gái thành phố e dè bấm xuống mặt bùn mịn mượt, nghe lòng dậy lên một thứ tình cảm gắn bó ruột rà. Còn nhiều thứ lắm mà "giáo trình" của anh quên không nói tới. Em đã kinh ngạc biết mấy khi thấy người nông dân đang tất tả với gánh lúa oằn vai vẫn cố dừng lại giữa đường, chỉ để nhặt một bông lúa rụng. Em đã nao lòng khi thấy ba anh loay hoay ngồi tháo cuốn lịch bốn tờ để phát cho hàng xóm mỗi người một tờ "dán cho đẹp nhà”, trong khi những cuốn lịch biếu ở cơ quan em nằm lăn lóc cả năm chẳng ai thèm rớ tới. Em sẽ nhớ mãi khuôn mặt ngời sáng và nụ cười hàm ơn của bác hàng xóm khi nhận từ em tờ lịch có in hình nhành mai rực rỡ, dù đó chỉ là tờ lịch lẻ bầy. Có vẻ như em đang bắt đầu học những bài học vỡ lòng từ cuộc sống - những bài học giản dị, chân tình mà sâu sắc, khó quên. Kỳ nghỉ qua thật nhanh. Ngày về lại thành phố, em đã có cả một kho chuyện để kể cho bạn bè. Trong ví em vẫn còn ép phẳng phiu hai trăm đồng - tờ giấy bạc thấm mồ hôi của một vùng quê nghèo khó. Và trong máy ảnh của em có nguyên một file ảnh rất ngộ nghĩnh, được chộp bằng con mắt háo hức của đứa con gái thành phố lần đầu về quê: Những nụ cười nông dân hồn hậu; bàn tay chai sần nâng niu bông lúa nhặt được giữa đường; cái góc bếp ám khói và cọng khói chiều lơ lửng, thanh bình..