(Petrotimes) - Chắc hẳn sẽ có rất nhiều người quan tâm đặt câu hỏi: Dầu khí còn được bao nhiêu? Bao giờ sẽ khai thác hết? Và những cơ hội, triển vọng cũng như thách thức trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo để thay thế như thế nào? Là một người nghiên cứu sâu về dầu khí và vấn đề năng lượng nói chung, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng - Hội Dầu khí Việt Nam đã đưa ra những nhận định hết sức cụ thể, thiết thực và có nhiều nét riêng dưới góc nhìn của ông đối với những vấn đề trên. Dầu khí còn dùng được bao lâu? PV: Hiện nay, thế giới đang đứng trước nỗi lo về sự cạn kiệt các mỏ dầu, mỏ khí đốt tự nhiên, than đá, GS có thể cho biết về trữ lượng của các dạng năng lượng hóa thạch này? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Các loại nhiên liệu hóa thạch thường được nhắc đến là dầu, khí và than. Tuy nhiên, hiện nay người ta quan tâm nhiều nhất đến dầu và khí. Chúng còn nhiều không? Có thể cung cấp cho loài người được bao lâu? Than thì ít được quan tâm hơn bởi trữ lượng than trên thế giới hiện nay còn rất lớn, có thể dùng được vài trăm năm nữa. Theo con số công bố gần đây nhất của Hãng BP, trữ lượng xác minh của dầu trên thế giới có thể khai thác được là khoảng 234 tỉ tấn, mỗi năm cả thế giới tiêu thụ khoảng 4 tỉ tấn. Do đó, với mức tiệu thụ như hiện nay, lượng dầu này có thể sử dụng được trong khoảng 60 năm. Về khí, trữ lượng khoảng 210 nghìn tỉ m[SUP]3[/SUP], với mức tiêu thụ hằng năm như hiện nay là 3.200 tỉ m[SUP]3[/SUP] thì cũng có thể dùng được khoảng hơn 60 năm. PV: Còn ở Việt Nam thì trữ lượng dầu, khí được bao nhiêu, thưa GS? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Ở Việt Nam mình trữ lượng dầu khí cũng có hạn. Theo đánh giá về địa chất thì chúng ta có khoảng 3-4 tỉ tấn dầu quy đổi, trong đó có nửa dầu, nửa khí. Tuy nhiên, trữ lượng xác minh thì còn ít hơn nhiều. Cần phải đầu tư vào công tác tìm kiếm thăm dò để có thêm trữ lượng xác minh. Với nhu cầu hiện nay, mỗi năm chúng ta dùng khoảng 12-13 triệu tấn dầu, 10 tỉ m[SUP]3[/SUP] khí thì cũng có thể dùng được tối thiểu mấy chục năm nữa. Cũng có thể tình hình sẽ khả quan hơn dự báo. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng của nước ta tăng lên rất nhanh so với mức tăng trung bình của thế giới. Theo thống kê, trên thế giới trong vòng 40 năm qua nhu cầu sử dụng năng lượng chỉ tăng khoảng 1 tỉ tấn, tức là trong 40 năm chỉ tăng khoảng 25%, nhưng ở nước ta dự kiến 10-15 năm nữa nhu cầu sử dụng có thể tăng lên 3-4 lần so với hiện tại vì chúng ta là nước đang phát triển, cần rất nhiều năng lượng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, dù có phát hiện được phần lớn các trữ lượng địa chất thì trong vài chục năm nữa cân bằng năng lượng của Việt Nam vẫn thiếu dầu, khí và phải nhập. GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng PV: Theo những con số GS vừa cho biết thì chỉ còn khoảng 60 năm nữa là thế giới sẽ cạn dầu. GS có thể có những phân tích khả quan hơn? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Đó là những con số dự báo trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên, những con số đó cũng chỉ là những con số “chết”, chưa hẳn đã phản ánh đúng sự thật vì hằng năm người ta tìm thêm rất nhiều dầu và khí. Số lượng tìm thêm được năm nào cũng nhiều hơn sản lượng tiêu thụ. Tôi lấy ví dụ: cách đây 40 năm trữ lượng xác minh của dầu là 90 tỉ tấn và thời đó mỗi năm người ta tiêu thụ hết 3 tỉ tấn. Khi đó, người ta dự báo rằng 30 năm nữa sẽ hết dầu, tức là trong thế kỷ trước đã hết dầu. Nhưng trong vòng 40 năm qua, nếu tính trung bình mỗi năm loài người sử dụng khoảng 3,5 tỉ tấn dầu thì loài người đã dùng hết 140-150 tỉ tấn, nhưng con số trữ lượng dầu hiện nay (2012) là hơn 234 tỉ tấn, có nghĩa là từ đó đến nay loài người đã tìm thêm được rất nhiều dầu. So sánh như vậy để thấy rằng, chắc chắn thế giới còn tìm thêm được rất nhiều dầu và khí, mặc dù việc cạn kiệt dầu và khí trong một tương lai nào đó là đương nhiên. PV: Như vậy, trữ lượng dầu còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tìm kiếm và khai thác của con người, thưa GS? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Về nguyên lý thì dầu đang cạn kiệt nhưng chưa biết đến bao giờ cạn kiệt, khí cũng như vậy. Việc lo lắng về dầu cạn kiệt cũng đúng nhưng không nên quá bi quan, vội vã. Hiện nay, người ta đã biết là trên thế giới có nhiều loại dầu. Có thể nói một cách đơn giản, dễ hiểu là có dầu bình thường như chúng ta vẫn khai thác, có những dầu rất nặng, sệt, thậm chí rắn, hoặc có những loại dầu nằm trong đá ở dạng người ta gọi là đá dầu hay cát dầu. Ước tính, trong vỏ trái đất, trữ lượng loại dầu bình thường, tức loại dầu ở dạng lỏng đang được khai thác và giao dịch trên thế giới (con số trữ lượng 234 tỉ tấn nói ở trên), chỉ chiếm khoảng 30%, còn dầu nặng, dầu rất nặng, dầu trong đá chiếm đến khoảng 70% tổng trữ lượng dầu. Và hiện nay, người ta chỉ coi khoảng chừng chưa đầy 1/2 số dầu nằm trong các mỏ là trữ lượng xác minh, có thể khai thác được. Một mỏ dầu có 100 triệu tấn thì với kỹ thuật như hiện nay tối đa chỉ có thể khai thác được 40 triệu tấn, còn 60 triệu tấn thì để cho thế hệ sau. Thực ra, tiềm năng để tìm thấy dầu trong tương lai vẫn còn nhiều nhưng việc khai thác sẽ khó khăn hơn nên giá sẽ đắt. Tuy nhiên, với công nghệ ngày càng tiến bộ thì người ta có thể vượt qua được tất cả những rào cản đó. PV: Theo GS, ở nước ta, với nhu cầu sử dụng năng lượng tăng nhanh như hiện nay thì chúng ta phải chuẩn bị như thế nào để đối phó với tình trạng nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Hiện nay, Việt Nam đang hết sức tích cực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào để cùng Petrovietnam tìm kiếm, thăm dò và khai thác ở tất cả các khu vực có triển vọng dầu khí, trên đất liền cũng như ngoài biển thuộc những vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, trong đó có những vùng nước sâu, xa bờ. Tuy nhiên, đến nay phát hiện lớn về dầu cũng chưa có. Chúng ta cũng đang cố gắng hết sức để vươn ra tìm dầu khí ở nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và tự chủ nhưng chắc chắn không thể nào đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ và vẫn phải mua. Việc đó cũng có thể là khó khăn nhưng cũng là bình thường bởi như Nhật Bản hay Hàn Quốc trữ lượng dầu không đáng kể nhưng họ vẫn phát triển tốt. Cho nên, chuyện nhập là bình thường nếu thế giới còn. Chúng ta cũng không nên quá đặt nặng vấn đề nhập khẩu vì bây giờ là hội nhập, việc trao đổi, mua bán giữa các nước là điều rất bình thường. Phát triển năng lượng tái tạo - Không nên quá vội vàng PV: Trên thế giới, người ta đang có xu hướng tìm kiếm các dạng năng lượng thay thế, GS có thể đưa ra một số đánh giá về các dạng năng lượng mới hiện nay? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Một mặt người ta sợ hết dầu nhưng mặt khác, người ta cũng lo lắng vì trái đất đang bị suy thoái với tốc độ nghiêm trọng khi nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của con người tăng vọt. Do đó, người ta tiến đến tìm các dạng năng lượng khác để thay thế năng lượng hóa thạch. Vì dầu, khí hay than khi sử dụng một phần gây ra ô nhiễm môi trường, một phần tạo ra biến đổi khí hậu. Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay cũng không quá căng thẳng như vấn đề biến đổi khí hậu vì người ta có cách làm sạch lưu huỳnh, nitơ và những kim loại có trong dầu, khí, than. Ví dụ: ngày xưa trong xăng và dầu diesel có rất nhiều lưu huỳnh nhưng hiện nay theo tiêu chuẩn mới, ví dụ euro 1, 2, 3, 4… ngày càng khắt khe, hàm lượng lưu huỳnh (và kèm theo là nitơ) trong đó càng ngày càng ít. Vì vậy, vấn đề môi trường có thể xử lý được. Nhưng vấn đề CO[SUB]2[/SUB] hiện nay vẫn chưa có lối thoát, CO[SUB]2[/SUB] thoát ra được coi là nguyên nhân chủ yếu gây biến đổi khí hậu, làm cho trái đất nóng lên, mà về nguy cơ thì Việt Nam là một trong 5 nước hứng chịu nặng nhất. Những năng lượng khác thì bây giờ có rất nhiều, đầu tiên là thủy điện, lúc đầu người ta nghĩ thủy điện an toàn, không gây ô nhiễm nhưng thực tế thủy điện cũng gây ra một số ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đời sống dân cư. Điện hạt nhân cũng rất sạch mà giá cũng không cao lắm, nhưng chưa ai dám đảm bảo là an toàn tuyệt đối. Điện nhiệt hạch có thể được coi là vô tận, dạng năng lượng đó rất lớn và cực sạch nhưng chắc trong thế kỷ này vẫn chưa thể có được. Điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều thì đắt tiền. Bioethanol hiện nay cũng đang gặp khó khăn do giá thành đắt. Cho nên, có thể nói tất cả các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân đều đắt và triển vọng phát triển đều rất khó khăn. PV: Thưa GS, bioethanol hiện nay đang phát triển khá thành công ở rất nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng đã phát triển đầu tư đáng kể cho nhiên liệu sinh học, GS nhận xét thế nào về nguồn năng lượng này? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Nhiên liệu sinh học đang được phát triển rất tích cực trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhưng nhiên liệu sinh học vẫn còn 2 vấn đề cần phải giải quyết. Thứ nhất là giá thành vẫn còn cao. Các nước phát triển mạnh về nhiên liệu sinh học như: Brazil, Mỹ, hay các nước Tây Âu đều phải có những biện pháp hỗ trợ để giảm giá thành ethanol, thậm chí bù lỗ. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, giá thành sản xuất xăng sinh học vẫn đang cao hơn rất nhiều so với giá bán. Vấn đề thứ hai là ethanol, biodiezel là những nhiên liệu trong đó có chứa ôxy, chính vì vậy mới có chủ trương là E5, E10 (95% xăng và 5% ethanol hoặc 90% xăng và 10% ethanol)… vì các động cơ của xe không chịu được hàm lượng nhiên liệu sinh học cao, mà chỉ chịu được ở mức dưới 10%; vượt quá 10% phải thay đổi động cơ xe. Nếu sử dụng hàm lượng nhiên liệu sinh học cao thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp cho nền công nghiệp ôtô, xe máy. Do đó, hiện nay trên thế giới đang có xu thế phát triển nhiên liệu sinh học theo một hướng khác, không chỉ dừng lại ở hợp chất chứa ôxy mà tiến đến các hợp chất tương tự như dầu mỏ. Điều đó sẽ giải tỏa được vấn đề phải thay đổi động cơ nhưng tất nhiên nó cũng vẫn đang còn đắt. Hiện nay, có một số những nhà máy đã cho sản phẩm ở quy mô pilot, cỡ hàng trăm tấn/năm, nhưng sản xuất đại trà thì chưa có. Những nghiên cứu cũng cho thấy, nhiên liệu sinh học đi thẳng đến hydrocarbon có thể sử dụng làm nhiên liệu cho máy bay trong khi các dạng nhiên liệu sinh học hiện nay thì không thể dùng cho máy bay được. PV: Đó có phải là hướng đi mà nước ta cũng nên hướng đến? Xin GS một vài đánh giá về lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học ở nước ta? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Hiện nay, Chính phủ đã có lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học. Theo đó, đến ngày 1/12/2014 thì sẽ bắt buộc dùng E5 tại 7 tỉnh, thành phố và đến ngày 1/12/2015 cả nước dùng E5… Tuy nhiên, đó chỉ là lộ trình Nhà nước muốn, để thực hiện được không phải chuyện dễ vì muốn làm được việc này phải đầu tư hạ tầng, thay trạm xăng, thay bình chứa… rất khó khăn, tốn kém. Nếu các nhà máy ethanol chạy hết công suất thì cả nước sản xuất được khoảng 500 ngàn đến 700 triệu lít ethanol, pha ra thì được hơn chục triệu tấn xăng E5, trong khi nhu cầu năm 2015 cũng chỉ khoảng 6 triệu tấn, không thể sử dụng hết được dù lộ trình được áp dụng đúng. Việc xuất khẩu cũng sẽ bị lỗ vì giá thế giới vẫn còn thấp. Do đó, hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình, tạo điều kiện để người tiêu dùng sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học, cần nghiên cứu sử dụng bioethanol cho các mục đích khác nữa, trong đó ý tưởng chuyển ethanol thành các sản phẩm khác có giá cao hơn, chất phụ gia cho xăng... là rất đáng khuyến khích. Đó là cách như Thái Lan đã làm, họ xây dựng quy trình sản xuất khép kín, không phải vứt bỏ những phụ phẩm, ngoài bioethanol còn tạo ra những sản phẩm khác để không gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Những sản phẩm gọi là phụ đó sẽ góp phần hạ giá thành của ethanol. Ngoài ra, chúng ta nên đi theo hướng hiện đại, hạn chế dần hướng chỉ đi đến nhiên liệu sinh học chứa ôxy mà đi theo hướng hydrocarbon. Lúc đó sản phẩm tạo ra giống như là dầu mỏ có thể dùng thoải mái, không cần phải sợ pha trộn, khỏi phải thay đổi các thiết bị phân phối, vận chuyển… Cụm giàn Công nghệ Trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ PV: Ngoài nhiên liệu sinh học, theo GS việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung ở nước ta nên đi theo hướng nào? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Tôi cho rằng nên làm từ từ, cái nào làm được thì làm. Tức là không chạy theo thời thượng, không chạy theo những vấn đề thế giới người ta cho rằng rất tiến bộ, nhưng chưa khả thi, bởi vì sức chịu đựng của nền kinh tế hiện nay rất có hạn. Chúng ta đã “phóng tay” với nhiều cái rồi, cho nên tôi cho rằng nên thận trọng, có hiệu quả kinh tế thì mới làm. Vấn đề nhiên liệu sinh học, kể cả các dạng năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời nói chung là nên phát triển, thế giới cần phát triển, nhưng với những nước còn chậm phát triển như nước ta thì có thể phải đi chậm, không nên đi nhanh quá. PV: Một số người đánh giá rằng, Việt Nam đã đi quá chậm trong phát triển năng lượng tái tạo và khi nguồn năng lượng cạn kiệt ta sẽ phụ thuộc vào năng lượng thế giới, ý kiến của GS thì ngược lại với những quan điểm đó? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Tôi không phản bác gì quan điểm đó. Đúng là chúng ta đang nằm trong số những nước “lạc hậu” về nhiên liệu sinh học. Nhưng nên nhớ là những nước như Brazil đã bắt đầu sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học mấy chục năm rồi. Nhiều nước khác cũng có quá trình phát triển nhiên liệu sinh học hàng chục năm. Ở nước ta năm 2007 Chính phủ mới có quyết định đầu tiên về phát triển nhiên liệu sinh học, cho nên chúng ta là nước đi sau. Người đi sau có rất nhiều thuận lợi là có cả kho kinh nghiệm của những người đi trước. Rút ra bài học cần thiết là điều không nên bỏ qua. Quan điểm của tôi chính là như vậy. Còn vì thiếu nguồn năng lượng mà phải phụ thuộc vào các nước khác thì trên thế giới còn biết bao nhiêu nước đang phải nhập năng lượng đấy thôi. Tài nguyên thiên nhiên rất quý và quan trọng, nhưng thiếu cái gì đó thì cũng phải chịu thôi. Điều đó càng nên chấp nhận trong thế giới hội nhập; không thể nào phải tự túc tất cả, kể cả năng lượng. Chính phủ ta đã có rất nhiều chuyện phải bù lỗ: giá xăng, giá dầu, giá điện… mà bây giờ thêm năng lượng tái tạo nữa thì càng thêm gánh nặng. PV: Theo GS thì cần có những thay đổi gì trong chính sách để ưu tiên phát triển các dạng năng lượng mới? GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Nhà nước khuyến khích và ủng hộ việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo là điều rất cần thiết. Mặc dầu vậy, chính sách cụ thể đưa ra cho từng phương án lại phải được cân nhắc hết sức cẩn thận; phải đồng bộ, có tính khả thi. Đặc biệt, do hầu hết các dạng năng lượng tái tạo đều có giá thành cao nên các chính sách lại phải càng cụ thể và thận trọng. Sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần, nhưng không nên kỳ vọng vào trợ giá hay bù lỗ. Nhà nước có thể có những ưu đãi trong hỗ trợ kinh doanh, trong việc đưa ra các chủ trương kích thích tiêu dùng hay phát triển nguyên liệu… nhưng hỗ trợ tài chính không phải là điều quan trọng nhất. Nhà nước không nên cho phép triển khai các dự án mà nhà đầu tư không chứng minh được tính khả thi một cách minh bạch. Vì nếu dự án không khả thi về kinh tế thì chỉ có thể là Nhà nước phải chịu rủi ro để giải quyết các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng hoặc cũng có thể bảo đảm dân sinh ở vùng núi cao, hải đảo. Tóm lại, Nhà nước chỉ nên cho phép triển khai những dự án thực sự có tính khả thi, các chính sách hỗ trợ phải được đặt ra ngay từ đầu một cách minh bạch, ổn định và không vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế. PV: Xin cảm ơn GS đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này! Mai Phương(thực hiện)