Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, mặc cho ngành tài chính đang gặp khó khăn, nhu cầu nhân lực các ngành kỹ sư xây dựng, hóa, điện, điện tử, máy tính, cơ khí, mỏ... vẫn tăng lên đều để cung ứng cho các dự án đầu tư đang đổ về Việt Nam hàng năm. Câu hỏi đặt ra cho các sinh viên là nắm bắt cơ hội như thế nào? Kỹ sư có làm ra tiền Ở nhiều nước tiên tiến như Úc, Mỹ, Canada… các ông bố bà mẹ gốc Việt thường ép các con mình vào học những ngành như y tế, điều dưỡng, kỹ sư, mặc cho con cái họ có phản đối dữ dội như thế nào. Những đứa con gốc Việt bị áp lực rất lớn về việc học và chọn nghề. Tình trạng này phổ biến ở cộng đồng Việt kiều và có nguyên nhân. Về cơ bản, cha mẹ muốn con cái mình có nghề nghiệp ổn định, làm việc sử dụng tri thức và có thu nhập cao trên mặt bằng xã hội. Ví dụ như ở Úc, lương của các kỹ sư thường rất cao. Với mỗi kỹ sư mới ra trường, tùy vào ngành học lương của họ có thể nằm vào khoảng trung bình từ $52,500 - $65,000. Một số ngành có thể kế đến như: Địa chất học: $53,000-$65,000; Kỹ sư hàng không: $55,300-$56,700; Kỹ sư Hóa: $60,000-$61,800; Kỹ sư Điện: $60,000-$63,000; Kỹ sư Điện tử/Máy tính: $55,000; Kỹ sư Cơ khí: $58,000-$60,000; Kỹ sư Mỏ: $80,000 ; Kỹ sư Xây dựng: $55,000-$57,000 ; Các ngành kỹ sư khác : $60,000 ; Máy tính: $52,500-$55,000. Đây mới chỉ là lương khởi điểm và nếu đứa con là một kỹ sư giỏi, mức lương sẽ còn cao hơn. Đáng chú ý nhất, lương của nghề kỹ sư được xếp khá cao. Đứng thứ 4 chỉ sau Nha khoa, Nhãn khoa và Khoa Học về Trái đất. Một điểm ưu thế nổi bật khi so sánh là lương của kỹ sư cao hơn lương của Bác sĩ và sinh viên ngành kỹ sư chỉ học 4 năm là hoàn tất trong khi Bác sĩ phải học 5-6 năm và cộng thêm ít nhất 1 năm thực tập. Một kỹ sư giỏi Trong thời đại hiện nay, để nắm bắt cơ hội một cách nhanh nhất, bạn bắt buộc phải nổi bật hơn dân cùng ngành, bất kể là ngành nào. Ngành kỹ sư lại càng phải như vậy. Bà Lê Duy Lan, kỹ sư được vinh danh “Nữ chuyên gia Kỹ thuật xuất sắc trên thế giới", "Kỹ sư Công nghệ Quốc gia của năm", và vô số giải thưởng bằng khen khác của Hoa Kỳ; đã có lần cho lời khuyên giúp giới trẻ. Bà nói từ kinh nghiệm phong phú của chính bản thân mình. Bà Lan cho rằng để trở thành một kỹ sư giỏi cần có 3 yếu tố. Bà chia sẻ “tôi đã đi viếng thăm nhiều trường Đại học từ Nam ra Bắc, và phải nói rằng đa số giáo trình của các em sinh viên đang học đã lạc hậu”. Điểm thứ hai là các sinh viên cần “ngay lập tức ứng dụng các kiến thức rút ra từ các dự án” mà các em tham gia thực tế. Muốn vậy cần “được thực tập ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường”. Cuối cùng, điểm thứ 3 bà quan tâm nhấn mạnh đó là kỹ năng mềm của các em sinh viên. Trong kỷ nguyên thông tin, trở thành một kỹ sư giỏi ngoài 3 điểm then chốt phía trên thực sự còn cần đến vai trò của một giảng viên giỏi, môi trường học tập tiên tiến, năng động và cơ sở vật chất hiện đại. Có hội tụ tất cả các yếu tố này, một sinh viên mới có sự đảm bảo chắc chắn nhất về một tương lai rộng mở và một hành trang đầy đủ cho con đường sự nghiệp trải dài phía trước. (Dantri) .