(PetroTimes) - Sáng ngày 21/3/2014, trong khuôn khổ Hội nghị Công tác Triển khai Dịch vụ và Quản lý Đấu thầu tại Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các đơn vị thành viên Tập đoàn đã ký nhiều hợp đồng dịch vụ. Dự lễ ký có đồng chí Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN; đồng chí Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN và các đồng chí trong Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN, lãnh đạo các Ban, Văn phòng PVN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn. Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) đã ký kết hợp đồng đóng mới 2 tàu dịch vụ với Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) với công suất 12.000 mã lực. Trong những năm qua, DQS thường xuyên được chủ đầu tư Vietsovpetro đặt hàng đóng mới, sửa chữa một số công trình như đóng mới sà lan nhà ở, sửa chữa tàu và tàu cẩu Hoàng Sa, sà lan VSP-05. Bên cạnh đó, trong năm 2014, DQS sẽ tiếp nhận sửa chữa cho Vietsovpetro và các đơn vị khác dự án giàn Cửu Long; tàu Chí Linh, giàn Đại Hùng, tàu VSP-01, VSP-02. Các gói hợp đồng trên sẽ mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho DQS trong năm 2014. Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) ký kết 2 hợp đồng với các đơn vị, cụ thể: Hợp đồng cung cấp Tàu dịch vụ phục vụ Mỏ Sông Đốc với PTSC Marine và Hợp đồng cung cấp FSO phục vụ mỏ Đại Hùng với Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans). Theo nội dung bản hợp đồng đầu tiên của PVEP, PTSC Marine sẽ là nhà cung cấp cho PVEP hai tàu dịch vụ đa năng PTSC Sài Gòn – 5.200 BHP, DP1 và Bình Minh 5.500 BHP, DP2 với thời hạn 1 năm, phục vụ hoạt động khai thác dầu khí của PVEP tại Mỏ Sông Đốc (Lô 46/13) trong năm 2014 với tổng giá trị hơn 8 triệu USD. Trước đó, thực hiện chủ trương của Tập đoàn, ngày 24/11/2013, PVEP đã triển khai tiếp nhận điều hành thành công mỏ Sông Đốc từ Trường Sơn JOC. Sau khi tiếp nhận, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tập đoàn, cùng với sự nỗ lực không ngừng, đội ngũ CBCNV PVEP tham gia quản lý, điều hành dự án đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong khai thác, vận hành và quản lý mỏ; tích cực, chủ động đàm phán gia hạn, ký kết các hợp đồng đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ vận hành mỏ như gia hạn thuê tàu FPSO với Công ty MODEC Việt Nam, dịch vụ của Supply Vessel, MGO… Dự án đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ nét với ngân sách vận hành hằng năm được giảm tới 25% ngay trong năm 2014. Đặc biệt, ngày 19/2/2014, chuyến dầu đầu tiên sau 4 tháng PVEP tiếp nhận dự án Sông Đốc đã được xuất bán thành công với mức giá cao. Hợp đồng thứ hai của PVEP là Hợp đồng cung cấp tàu FSO cho hoạt động khai thác Mỏ Đại Hùng, Lô 05.1a, ngoài khơi Việt Nam giữa Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC) – đơn vị thành viên của PVEP với PV Trans. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, PV Trans sẽ nghiên cứu phương án chuyển đổi tàu vận tải dầu thô 105.000 tấn (DWT) đóng tại Nhà máy Đóng tàu Dung Quất để có công năng chứa dầu (FSO) cho hoạt động khai thác dầu thô của PVEP POC tại khu vực mỏ Đại Hùng. Dự kiến tàu sẽ được bàn giao cho PVEP POC đưa vào sử dụng từ tháng 5/2015.
Toàn dịch vụ ăn theo chứ không có giếng mới các bác nhỉ :-w (Báo BR-VT) Trước thực trạng mỏ Bạch Hổ đã đến giai đoạn cuối, sản lượng sụt giảm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nói chung và Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro nói riêng đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo tập trung vào công tác phát triển, khai thác các mỏ nhỏ, cận biên nhằm bù đắp sản lượng khai thác và gia tăng trữ lượng. Hiện nay, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đang triển khai công tác phát triển mỏ nhỏ, mỏ cận biên bằng việc lắp dựng các giàn khai thác nhỏ (BK). Trong ảnh: Lắp dựng giàn khai thác dầu khí BK-15 Hội thảo “Công tác phát triển, khai thác các mỏ nhỏ, cận biên” vừa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và Trường Cao đẳng nghề Dầu khí tổ chức giữa tháng 3. Tại hội thảo này, vấn đề phát triển mỏ đã được các thành viên đến từ Viện Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, Biển Đông POC, PTSC và Trường Đại học Dầu khí mổ xẻ và đưa ra các giải pháp thiết thực.Ông Lê Việt Hải, Phó Tổng Giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cho rằng, ở gần bờ hiện nay khó tìm được một mỏ Bạch Hổ thứ 2. Mỏ Bạch Hổ sụt giảm sản lượng theo từng năm và hiện nay đi vào khai thác giai đoạn cuối. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò ở các vùng nước sâu, xa bờ, cần tăng cường việc tận thăm dò để phát hiện các mỏ nhỏ nhằm góp phần gia tăng trữ lượng. Cùng quan điểm, kỹ sư Phạm Việt Âu, Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro cho rằng, quan điểm tìm kiếm trước đây trong tìm kiếm thăm dò dầu khí lô 09-1, bể Cửu Long đều quan tâm đến các cấu tạo nếp lồi, đặc biệt đối tượng khai thác chính là đá móng nứt nẻ trước Đệ Tam. Thế nhưng, theo kết quả phân tích địa hóa cho thấy, tiềm năng sinh dầu của bể Cửu Long có khả năng di chuyển vào các loại bẫy phi cấu trúc, nơi có các điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ dầu khí là rất lớn. “Do đó, việc chính xác hóa cấu trúc và khôi phục lại lịch sử phát triển địa chất, kết hợp với các tài liệu khác để xây dựng các mô hình hệ thống dầu khí nhằm phát hiện các đối tượng tiềm năng khác trong bẫy cấu tạo cũng như phi cấu tạo và trên cơ sở đó đề xuất các đối tượng thăm dò nhằm phát hiện thêm vỉa dầu để góp phần gia tăng trữ lượng mỏ” - kỹ sư Phạm Việt Âu nhấn mạnh. Nói về giải pháp trong công tác thiết kế, lựa chọn nguyên lý xây dựng phương án phát triển các mỏ dầu khí trữ lượng nhỏ, kỹ sư Vũ Văn Hoan thuộc Công ty Dịch vụ cơ khí Hàng hải (PTSC M&C) cho rằng, trước đây, các mỏ dầu khí có trữ lượng nhỏ thường bị bỏ qua do các chi phí đầu tư và chi phí vận hành quá cao so với lợi nhuận thu được. Vì vậy, để đạt được giá trị thương mại, việc phát triển các mỏ có trữ lượng nhỏ phải bảo đảm được các điều kiện: chi phí phát triển mỏ tối thiểu khoảng 15 triệu USD; thời gian triển khai dự án phải dưới 12 tháng. Để đạt được các tiêu chí trên, phương án phát triển mỏ cần thỏa mãn yêu cầu khối lượng và kích thước công trình tối thiểu, cấu tạo công trình đơn giản; vật liệu xây lắp phổ biến trên thị trường; thi công chế tạo, vận chuyển, lắp đặt nhanh và đơn giản. Ông Lê Ngọc Sơn, Trưởng Ban khai thác dầu khí Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết: “Mỏ nhỏ, cận biên là đề tài trọng điểm của Tập đoàn và các nước trên thế giới. Vì đa số các mỏ lớn trong giai đoạn suy giảm sản lượng khai thác. Do đó, để duy trì sản lượng khai thác ổn định trong thời gian tới thì ngành dầu khí cần tìm các giải pháp công nghệ, giải pháp kỹ thuật và giải pháp kinh tế… để đưa mỏ nhỏ và mỏ cận biên vào khai thác hiệu quả”.Bài, ảnh: SA HUỲNH