Ngày 30/3/2012, tại Vũng Tàu, Giàn khoan tự nâng 90m nước - Giàn khoan Tam Đảo 03 - đã được Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) bàn giao cho Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) sau 24 tháng nỗ lực thi công, vượt 02 tháng so với kế hoạch cam kết và không phát sinh chi phí so với Hợp đồng. Sự kiện này đã chính thức đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước trên thế giới có thể chế tạo được giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhớ lại năm 2007, khi có chủ trương thành lập Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí nhằm mục đích thiết kế, chế tạo đóng mới, sửa chữa các loại giàn khoan, phương tiện nổi dầu khí, hầu hết các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí biển đều thận trọng cho rằng Việt Nam chưa thể chế tạo được giàn khoan tự nâng. Những băn khoăn đó hoàn toàn có cơ sở, bởi vì đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, phức tạp với các tiêu chuẩn khắt khe, phải chịu được các điều kiện khắc nghiệt như sóng, gió, dòng chảy, ăn mòn, động đất…. mà không nhiều quốc gia trên thế giới có thể thực hiện được (chỉ khoảng 02 quốc gia có thể thiết kế cơ sở và 10 quốc gia có thể thiết kế chi tiết, thi công). Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu nhiều điều kiện và kinh nghiệm để chế tạo được giàn khoan tự nâng; và PV Shipyard thì khởi đầu từ con số không: không nhân lực, không cơ sở vật chất và không kinh nghiệm, kể cả trong việc thực hiện các dự án tương tự với quy mô nhỏ hơn. Những khó khăn, thách thức hiển hiện khiến quyết định nhận nhiệm vụ chế tạo Giàn khoan tự nâng đầu tiên tại Việt Nam của tập thể CBCNV PV Shipyard thực sự là một quyết định mạo hiểm. PV Shipyard đã phải thận trọng trong từng quyết định, linh hoạt trong mọi tình huống để vừa chuẩn bị cơ sở vật chất, vừa nghiên cứu khoa học, vừa tổ chức sản xuất thi công. Với sự quan tâm hỗ trợ to lớn về chủ trương và chính sách của Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành và đặc biệt là của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sản phẩm đầu tay của ngành Dầu khí Việt Nam đã thành công rực rỡ, được quốc tế công nhận, là một minh chứng rõ nét nhất thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, là niềm tự hào của Trí tuệ Việt Nam, của bản lĩnh con người Dầu khí. Dự án đóng mới giàn khoan đã trở thành bước ngoặt lớn đưa ngành công nghiệp cơ khí chế tạo lên một tầm cao mới, mở ra cơ hội, tiền đề để mang các loại giàn khoan do Việt Nam chế tạo vươn ra cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Thành công của dự án đầu tiên đã giúp PV Shipyard có được sự tín nhiệm của các đơn vị trong và ngoài nước, từ đó tạo nên uy tín và kinh nghiệm cho PV Shipyard tham gia đấu thầu quốc tế, mang về cho Việt Nam cơ hội thực hiện những dự án lớn với khả năng tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cao cho hàng nghìn lao động. Sau khi tổ chức bàn giao giàn khoan tự nâng đầu tiên, trong năm nay PV Shipyard sẽ tiếp tục đóng mới giàn khoan tự nâng thứ 2 cho Vietsovpetro với khả năng hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 130m, cao hơn so với độ sâu 90m của Giàn khoan tự nâng đầu tiên. Cùng lúc đó, một xà lan tiếp trợ khoan hoạt động ở độ sâu 250m, chiều sâu khoan 10.000m cũng đã được Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) cũng đã tin tưởng và giao cho PV Shipyard thực hiện. Ký biên bản bàn giao Giàn khoan Tam Đảo 03 giữa Petro Vietnam, Vietsovpetro và PV Shipyard Cắt băng khánh thành Giàn khoan Tam đảo 03 Nghi thức bàn giao Giàn khoan Tam Đảo 03 Giàn khoan tự nâng 90m nước là Giàn khoan tự nâng đầu tiên được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu chế tạo. Đây là dự án có khối lượng chế tạo cơ khí chính xác lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ cao với khối lượng thi công khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị bao gồm các hạng mục như điện, điện tự động, kiến trúc nội thất. Với chiều cao chân giàn là 145m, Giàn khoan có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển. Công trình đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) và Cơ quan đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ - ABS cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, khẳng định chất lượng của giàn khoan Tam Đảo 03 đạt tiêu chuẩn quốc tế và tương đương giàn khoan do các nước Mỹ, Singapore, Hàn Quốc chế tạo. Nguồn: https://pvshipyard.com.vn
Topic theo kiểu này, Chỉ có nêu ưu điểm mà không nêu khuyết, mình sợ AE ở PVMS sẽ ngủ quên trên chiến thắng. một tư tưởng tự phụ không tốt cho chiến lượt phát triển của cty. Có phải PVMS là perfect, Dự án tam đảo 03 mà PMVS thực hiện là perfect, không cần phải comment thêm? Hy vọng bài viết sẽ nhận được những bài học kinh nghiệm quý từ ACE những người tham gia trực tiếp thực hiện Dự án này, qua đó giúp AE hiểu hơn về Dự án cũng như những mặt được cần phát huy và những hạn chế phải khắc phục. Mục đích cuối cùng là giúp thế hệ tiếp theo thực hiện tốt hơn Dự án tương tự trong tương lai.
Cơ khí dầu khí: Tự hào thương hiệu Việt Từ việc chỉ gia công cơ khí một vài phần việc nhỏ mang tính gia công, lắp ráp trong chuỗi công việc lớn về chế tạo giàn khoan, đến nay, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cơ khí dầu khí đã đảm trách được hầu hết các công việc. Điều này khẳng định năng lực và sự lớn mạnh của ngành cơ khí dầu khí Việt Nam. Ngày 10-9-2011, tại TP. Vũng Tàu đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí dầu khí Việt Nam, đó là hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Giàn khoan này do Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu. Đây là giàn khoan hiện đại và lớn nhất Việt Nam, với khả năng tự nâng, trọng lượng lên tới gần 12 ngàn tấn, chiều dài chân đế 145m; hoạt động ở độ sâu 90m và chiều sâu khoan 6,1 km; có thể chịu đựng được sức gió trên cấp 12 và chịu đựng được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đây là một tổ hợp khoan tự động, di động nổi trên biển và là giàn khoan tự nâng đầu tiên do Việt Nam chế tạo, có tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD. Dự án có khối lượng chế tạo cơ khí chính xác lớn, phức tạp với hàm lượng công nghệ và khoa học kỹ thuật cao. Sự kiện này khẳng định Việt Nam trở thành một trong ba nước thuộc khu vực Châu Á và một trong 10 nước trên thế giới chế tạo giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh PV Shipyard, trong ngành cơ khí dầu khí Việt Nam còn có nhiều công ty khác cũng đang từng bước khẳng định thương hiệu thông qua việc thực hiện các gói thầu phức tạp mà trước đây phải thuê các công ty nước ngoài. Điển hình như, Công ty CP Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC M&C), khi mới thành lập chỉ chế tạo, hoán cải các kết cấu công trình nhỏ theo hình thức chỉ định thầu, nay đã trở thành nhà thầu trọn gói (EPCI) hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ chuyên ngành dầu khí ở Việt Nam và khu vực. Với gần 3.000 lao động lành nghề, PTSC M&C đủ sức thực hiện hàng loạt các dự án lớn nhỏ, từ gia công lắp ráp đến những dự án chế tạo, thiết kế, thi công lắp đặt, và đặc biệt là các dự án EPCI (thầu trọn gói, chìa khóa trao tay) như: Sư tử đen - Cửu long, 5B-Dung Quất, Pearl, Topaz (PCVL), Sư tử đen Đông Bắc, Chim Sáo, Tê giác trắng, Đóng mới tàu và sà lan 5.000 tấn, Biển Đông 1, Sư tử trắng… Gần đây nhất, tháng 4-2011 PTSC M&C đã hạ thủy thành công giàn khoan Tê giác trắng, đây là dự án PTSC M&C thực hiện tổng thầu EPCI. Ngoài vai trò đảm đương chế tạo và thi công, lắp đặt 100% các công trình dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro (VSP), Xí nghiệp Xây lắp khảo sát và sửa chữa các công trình dầu khí còn thực hiện các hợp đồng chế tạo lắp đặt cho nhiều đối tác nước ngoài. Cụ thể, Xí nghiệp đã tham gia chế tạo và lắp đặt 3 giàn khoan của Thái Lan và 1 giàn khoan tại vùng biển Java của Indonesia. Hiện nay, Xí nghiệp có hơn 500 cán bộ, nhân viên biên chế chưa kể lao động thời vụ, nhiều cán bộ, kỹ sư chuyên môn có chứng chỉ quốc tế. Một minh chứng nữa cho thấy sự trưởng thành của các đơn vị hoạt động trong ngành cơ khí Dầu khí là chế tạo thành công giàn khai thác Mộc Tinh, Đại Hùng 02, là những giàn công nghệ khai thác có kích thước và trọng lượng lớn nhất, lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam, do chính nhà thầu trong nước thực hiện. Việc chế tạo thành công giàn Mộc Tinh, Đại Hùng 02 đã khẳng định khả năng làm chủ công nghệ, kỹ thuật xây lắp công trình khai thác dầu khí biển của nhà thầu trong nước, đặc biệt là tổng thầu VSP. Trong sự lớn mạnh của dịch vụ cơ khí dầu khí trong nước có vai trò không nhỏ của các nhà thầu phụ, trong đó không thể không kể đến Công ty CP Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí (PVC- MS), đơn vị đã thi công gần 60% số lượng chân đế và Topside giàn khoan cho ngành khai thác dầu khí Việt Nam. PVC- MS hiện có 1.600 lao động, trong đó hơn 300 người có trình độ đại học và trên đại học, gần 500 thợ hàn có chứng chỉ quốc tế. Với định hướng trở thành nhà thầu trọn gói trong lĩnh vực công nghiệp dầu khí, từ năm 2010, PVC- MS đầu tư sản xuất, chế tạo để cung ứng ra thị trường các thiết bị phục vụ sản xuất ngành công nghiệp dầu khí. PVC- MS phấn đấu đến năm 2015, sản phẩm của PVC- MS sẽ đáp ứng 50% nhu cầu thiết bị nhập ngoại của ngành dầu khí. Năng lực của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cơ khí dầu khí trong nước đã được khẳng định qua các công trình. Các đơn vị này đang trên đường chiếm lĩnh những phần việc quan trọng trong hoạt động cơ khí dầu khí và sẽ tiếp tục “ghi công” bằng những công trình mang thương hiệu “Made in Viet Nam”. Nguồn: bariavungtau.com
Ngành công nghiệp nặng và cơ khí chính xác của VN theo em chưa đạt đến trình độ perfect được. Báo chí cứ tuyên truyền mị dân thế thôi chứ bác nào làm cho ngành công nghiệp nặng của VN như đóng tàu, offshore, lắp máy... đều hiểu cả mà. Theo em dự đoán thì con TĐ 03 này khi quyết toán xong chênh lệch với giá trung bình của thế giới ít nhất phải 20mil$. Nhân tiện cũng lạy lục các bác trong diễn đàn luôn là có bác nào có bản dự toán hoặc quyết toán của con TĐ 03 này thì cho e xin 1 bản để tham khảo với. Vô cùng đội ơn luôn.
Nói như vậy chi phí của PVMS cho giàn Tam Đảo 03 vẫn ngon chứ nhi? chỉ mắc hơn Keppel AMFELS, nhưng đó là đơn giá năm 2007.