Dấu ấn “mở lối” công nghiệp hóa của ngành kinh tế đầu tàu

Thảo luận trong 'Tìm hiểu về Ngành' bắt đầu bởi NoName, 10/12/15.

  1. NoName

    NoName Member

    Tham gia ngày:
    20/7/12
    Bài viết:
    637
    Đã được thích:
    19
    Điểm thành tích:
    18
    Bài 1: “Đi nhanh” trong gió đổi mới

    QĐND - Ngày nay, ngành dầu khí đã khẳng định vị trí đầu tàu của nền kinh tế. Nếu coi GDP như một kho thóc “của ăn của để” của quốc gia thì phân nửa “thóc” trong kho ấy đượclàm nên từ dầu khí. Nhưng ít ai biết rằng, để có được ngành công nghiệp dầu khí giữ vai trò đầu tàu đâu phải chỉ múc dầu dưới biển lên mà là cuộc trường chinh đầy mồ hôi và nước mắt để xây dựng một nền công nghiệp dầu khí độc lập, tự chủ. Phóng viên BáoQuân đội nhân dânđã có cuộc hành trình đến một số đơn vị của Tập đoànDầu khí Quốc gia Việt Nam để phác thảo đôi nét vềhành trình đổi mới ấy…

    Đi nhanh–chỉ đạo của Tổng Bí thư

    Thành phố biển Vũng Tàu, một chiều cuối thu. Trong căn phòng họp của Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro), chúng tôi được các Phó tổng giám đốc Vũ Nam Cường, Cao Tùng Sơn kể lại câu chuyện Vietsovpetro hôm qua và hôm nay.

    “Nhắc đến ngành dầu khí, không thể không nhắc đến tình hữu nghị Việt-Xô, Việt –Nga, đến Vietsovpetro. Nhưng trong quan hệ hợp tác tốt đẹp ấy, chưa chắc đã tìm ra dầu, nếu như không có “cách đánh Việt Nam”, sự kiên trì Việt Nam”–ông Vũ Nam Cường cho biết.

    [​IMG]
    Hoạt động khai thác dầu khí ở mỏ Bạch Hổ hiện nay. Ảnh: NGUYỄN MINH

    Để tìm dầu, ngành dầu khí đã trải qua những bước đi thế kỷ lên rừng, xuống biển, suốt mấy chục năm trời từ năm 1961 mà vẫn chưa ra dầu. Xa hơn, kết quả tìm kiếm của chế độ cũ cùng nhiều công ty Mỹ mới dừng lại ở một số tài liệu, một số mẫu dầu ít ỏi khoan được mang về.

    Đất nước vừa tắt ngọn lửa chiến tranh, gian khó bộn bề nhưng khát vọng tìm dầu đã cháy cùng tư duy đổi mới. Là một trong những lãnh đạo đầu tiên của Vietsovpetro, TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kể: “Sau khi đất nước thống nhất, Tổng bí thư Lê Duẩn đã có tầm nhìn rất rộng khi chủ trương vừa hợp tác với Liên Xô vừa quan hệ đa phương và tự lực để đẩy nhanh tiến độ khai thác dầu khí. Ông yêu cầu dành một số lô trên thềm lục địa để Việt Nam tự lực, còn các lô khác mời quốc tế tham gia, nếu Mỹ quay lại cũng sẵn sàng hợp tác”.

    Trong năm 1976, ta đã tiếp xúc vòng đầu với 17 công ty và Nhà nước Pháp, Ôx-trây-li-a, Ca-na-đa, Nauy, I-ta-li-a, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Anh. Theo ông Đỗ Văn Hà, nguyên Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thì ta còn mời cả tiến sĩ kinh tế năng lượng Michael Tanzer (người Mỹ) tư vấn. Một chuyên gia Việt kiều ở Pháp cũng được mời tư vấn cho dù ngày ấy, việc làm ăn với “Tây” còn là điều lạ lẫm, đầy sự hoài nghi khi giao tiếp với nước ngoài.

    Thử thách chí bền

    Đúng lúc này, ngày 3-7-1980, Chính phủ Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp định về việc hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam. Ông Lê Quang Trung, nguyên Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro kể: “Trước 1975, Công ty Mobil của Mỹ đã khoan ở mỏ Bạch Hổ, gặp dầu và họ đã lấy 5 thùng dầu thô đưa về đất liền. Trên cơ sở những tài liệu ấy, ngày 31-12-1983 tàu khoan Mirchin, Liên Xô bắt đầu khoan thăm dò ở giếng Bạch Hổ 5 nằm gần Bạch Hổ 1X mà Mobil từng khoan thấy dầu năm 1975. Khoan ròng rã mấy tháng trời, đến sáng 26-4-1984, mũi khoan đạt đến độ sâu 2.775m mà dầu vẫn chưa thấy. 20 giờ đêm 30-4-1984, mũi khoan đến độ sâu 2.828m: Có dầu!

    Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Biển khơi thăm thẳm vẫn thử thách chí bền. TS Ngô Thường San nhớ lại: “Tin vui có dầu khiến ta hối hả xây dựng hạ tầng ở đất liền và đầu tư hai giàn khai thác trị giá hàng chục triệu USD. Nhưng lượng dầu tìm thấy ở Bạch Hổ vẫn rất thấp, chỉ 20 tấn/ngày, bằng 1/15 lưu lượng mà Mobil công bố trước năm 1975. Đã có người nghi vấn chính quyền Sài Gòn đã làm tài liệu giả để tuyên truyền?”. Đã có nhiều cuộc họp nảy lửa, phê bình việc đầu tư phiêu lưu, mạo hiểm. Biết ăn nói sao với Đảng, Nhà nước và nhân dân khi cả nước dù nghèo đói phải dè sẻn từng hạt gạo để đầu tư hàng trăm triệu USD tìm kiếm dầu nay...ném tiền xuống biển? Có cả tranh cãi giữa ta và các chuyên gia Liên Xô. Làm tiếp hay dừng?

    Ông Seremeta (Trưởng tổ chuyên viên kỹ thuật) có lần trao đổi đã gay gắt nói: “Thế các anh có muốn Việt Nam sớm có dầu không? Các anh thử chỉ cho xem ở Việt Nam còn cấu tạo nào triển vọng hơn Bạch Hổ để phía Liên Xô có thể đầu tư khai thác sớm?”. Rồi bạn nhắc đến lịch sử xây dựng khu “Neftianư Kamni” sau Cách mạng Tháng Mười Nga, trong hoàn cảnh rất khó khăn, khi còn chưa có một tài liệu địa chấn tin tưởng nào. Nhưng Liên Xô vẫn mang đá ra đổ ngoài biển để xây dựng để rồi “Neftianư Kamni” đã trở thành thành phố dầu lửa giữa biển ở Adécbaigian. Bạn rất tự tin ở triển vọng mỏ Bạch Hổ…

    Những cú khoan viết lại lịch sử dầu khí

    TS Ngô Thường San kể tiếp: “Ngay chọn giếng cũng phức tạp. Có người muốn khoan gần giếng Bạch Hổ 5 để chắc ăn. Chúng tôi lại tính khoan phía bắc, cách đó khoảng 10km. Sự việc phải báo lên Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười và được chuẩn thuận”. Ngày 15-2-1985, sau hơn nửa năm khoan tìm, dầu đã phun lên với lưu lượng khoảng 1.200 tấn/ngày. Khi đó biển động dữ dội nhưng đích thân Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Phó chủ tịch Đỗ Mười vẫn đi tàu ra tận giàn khoan chúc mừng.

    Vậy mà đoạn trường vẫn chưa qua. Sản lượng khai thác tụt nhanh. “Chỉ sau 4 tháng sản xuất, áp suất ở giếng BH-1 đã mất đi một nửa; sản lượng toàn bộ giàn sản xuất MSP1 chưa đến 100 tấn/ngày. Nhìn ngọn lửa cháy leo lét ở đuốc giàn MSP mà không khỏi bùi ngùi! Lúc ấy, tôi đã suy nghĩ bi quan nghĩ trữ lượng dầu quá nhỏ không đáng đầu tư”- TS Ngô Thường San hồi tưởng.

    Nhưng những người tìm lửa không bỏ cuộc. Họ tiếp tục đánh giá trữ lượng, khoan giếng Bạch Hổ-6 tới các tầng Oligocen và tầng 23 ròng rã chín tháng trời. Kết quả: Tầng 23 bị sét hóa, ít triển vọng. Khoan tiếp tầng sét đen, đến tầng móng. Ngày 11-5-1987, kết quả thử giếng thật bất ngờ khi thấy dòng dầu có lưu lượng đạt tới 500 tấn/ngày từ đáy giếng. Kinh ngạc vì dầu ở đâu? Chưa tài liệu nào trên thế giới nói có dầu trong tầng đá móng?

    Theo lý thuyết địa chất, trong tầng đá móng là không thể có dầu, nên khi khoan tới tầng móng người ta thường dừng lại, không khoan tiếp nữa. Trước đó đã có nhiều công ty tư bản khoan thăm dò cũng đã bỏ cuộc khi tới tầng đá móng. Giếng BH-1 được sửa chữa vì sản lượng giảm nhanh. Trong tiến trình sửa chữa có ý kiến cho rằng sâu dưới tầng 23 thử gần 2 năm trước không cho dòng dầu là vì đã dùng quá nhiều trấu bít nhét, đề nghị khoan lại tầng móng. Đoạn cuối thật bất ngờ, một dòng dầu lên mạnh, ước lượng tới 2000 tấn/ngày. Có một mạch dầu mới, sản lượng cao trong tầng móng nứt nẻ!

    TS Ngô Thường San đánh giá: “Tên Bạch Hổ đã đi vào văn liệu dầu khí thế giới, được ghi nhận là mỏ dầu lớn nhất Việt Nam, sản lượng cao trên 12 triệu tấn/năm từ tầng chứa là đá móng nứt nẻ. Phát hiện nhờ sự kiên trì này đã làm thay đổi nhận thức về khai thác dầu khí, mở ra triển vọng khai thác từ hàng chục mỏ khác cũng từ tầng đá móng. Đặc biệt, nó tạo sức hút cho hàng loạt công ty lớn từng bỏ đi nay quay lại hợp tác, mở ra một kỷ nguyên đầy sôi động trên thềm lục địa. Ngoài mỏ Bạch Hổ và Rồng, hàng chục mỏ khác đã được phát hiện và sản xuất từ tầng đá móng như Rạng Ðông, Hồng Ngọc, Sư Tử Ðen/Vàng/Nâu, Cá Ngừ Vàng, Ðồi Mồi... “. Tính đến nay, riêng tầng đá móng đã cho hơn 200 triệu tấn dầu (khoảng 80% của cả nước), 26 tỉ mét khối khí, 6 triệu tấn LPG và condensate, trị giá tổng cộng hơn 50 tỉ đô-la. Riêng Vietsovpetro, năm 2015 đầy khó khăn do giá dầu thế giới giảm vẫn đạt doanh thu ước khoảng 2,17 tỷ USD, lợi nhuận phía Việt Nam trên 900 triệu USD.

    Sau này, khi gặp đại diện Hãng Mobil, có lần ông Ngô Thường San nói vui: “Chỉ có Việt Nam kiên nhẫn mới phát hiện ra dầu ở tầng đá móng”. Gần đây, cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.

    “Không hiểu rằng ngày ấy, nếu không thấy dầu ở tầng đá móng thì tình hình kinh tế đất nước sẽ còn khốn khó đến mức nào. Vỉa dầu của ta áp suất rất cao, việc khai thác lúc đầu cứ như là trời cho của. Từ năm 1988 đến 1992 không phải khai thác mở rộng mà mỗi năm cứ nâng đều đặn 1 triệu tấn”-Ông Trần Lê Đông, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học của Vietsovpetro, người chủ trì đề tài này xúc động hồi tưởng. Từ năm 1993, ta lại nghĩ ra công nghệ bơm nước vào vỉa để ép dầu. Sáng kiến này đã tiết kiệm được rất nhiều. Cứ lấy được 1m3 dầu thì phải bơm xuống 1,5m3 nước. Việc bơm nước xuống vỉa dầu đã giúp cho Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có thể khai thác dầu tối đa đến hệ số 40-45%, trong khi các mỏ dầu trên thế giới thường chỉ khai thác được trên 15-20%. Ấy thế mà sau này, vì thiếu hiểu biết công nghệ, có đại biểu Quốc hội còn phát biểu phê phán ngành dầu khí quá lãng phí tài nguyên. “Hệ số thu hồi dầu khi khai thác dưới biển 40-45% đã là ở tốp cao nhất thế giới nhưng chúng tôi chưa thỏa mãn, sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hơn. Làm được chính là nhờ chúng ta đã được đầu tư xây dựng bài bản, có cả một ngành công nghiệp khai thác dầu khí, có Viện nghiên cứu rồi “viện trong công ty”. Bài toán “cần câu” và “con cá” đã được triển khai sớm, hiệu quả”–ông Cao Tùng Sơn, Phó tổng giám đốc Vietsopetro khẳng định.

    Trong chuyến thăm Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) vào thập niên 90 của thế kỷ XX, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu: Sau năm 1991, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ thì Việt Nam nhờ có hai chân trụ vững là dầu khí và nông nghiệp mà đất nước ổn định và phát triển đến ngày nay. Những cú khoan dầu khí đã khơi dậy được tiềm lực kinh tế cho đất nước, góp phần to lớn bảo vệ thể chế, phát triển đất nước.

    Ghi chép của NGUYÊN MINH
     
    Stevie Tran thích bài này.
  2. NoName

    NoName Member

    Tham gia ngày:
    20/7/12
    Bài viết:
    637
    Đã được thích:
    19
    Điểm thành tích:
    18
    Bài 2: Luồng sinh khí biển làm đổi thay cực Nam Tổ quốc

    QĐND - Nếu như những dòng dầu đầu tiên được khai thác đúng vào năm đầu đổi mới đã giúp ổn định vĩ mô, đưa đất nước vượt qua thách thức thì gần 10 năm sau, những dòng khí đầu tiên được đưa về đất liền… tiếp tục thổi luồng sinh khí mới, làm thay đổi cơ cấu, diện mạo nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp. Đó là câu chuyện về Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS)-nơi hằng năm những dòng khí chuyển về đất liền đóng góp 2% GDP cho đất nước.

    Niềm nuối tiếc sau ngọn lửa rực sáng

    Dòng khí mang về từ biển khơi hiện cung cấp 35% sản lượng điện quốc gia và 70% nhu cầu phân đạm toàn quốc, 70% khí ga hóa lỏng LPG cùng hàng loạt sản phẩm khác, mang về doanh thu hơn 3,5 tỷ USD mỗi năm, nộp ngân sách Nhà nước gần 51.000 tỷ đồng; hằng năm đóng góp khoảng 10% doanh thu toàn tập đoàn và hơn 2% GDP cả nước.

    “Những con số to lớn ấy, đều do PVGAS chúng tôi thực hiện, nên 2 khái niệm PVGAS và cả ngành công nghiệp khí Việt Nam hiện có ngoại diên trùng nhau”-ông Lê Như Linh, Chủ tịch HĐQT tổng công ty đón chúng tôi tại trụ sở khang trang ở TP Hồ Chí Minh và mở đầu câu chuyện như vậy.

    [​IMG]
    Vận hành hệ thống hoạt động tại Nhà máy điện khí Cà Mau. Ảnh: VĂN MINH

    Để hiểu ý nghĩa, vai trò của khí, bạn đọc cần hiểu khí đồng hành được tìm thấy cùng dầu thô, khi khai thác tách khỏi dầu thô. Trong ngành công nghiệp dầu khí thế giới, không phải nước nào cũng khai thác được loại khí này mà người ta thường đốt bỏ, có nước đốt bỏ tới 75%.

    Ở nước ta, dòng dầu công nghiệp đầu tiên được khai thác vào mùa hè năm 1986 nhưng khí đồng hành thì vẫn bị đốt bỏ ngay tại giàn khoan. Khi ấy, hình ảnh những ngọn lửa rực sáng trên các giàn khoan trong đêm từng là niềm tự hào về nền công nghiệp dầu khí. Nhưng khí thì bị đốt suốt nhiều năm cho đến năm 1995 mới được chuyển về bờ. Ông Lâm Quang Chiến, Giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp Quản lý và khai thác các công trình khí, kể: Với hệ số khí/dầu bình quân là 150m3/tấn tại các giàn khoan hoàn toàn được đốt bỏ, đến ngày 23-4-1995, Vietsovpetro đã khai thác được tấn dầu thứ 30 triệu từ mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng. Làm một phép tính đơn giản (30.000.000x150) cũng thấy chúng ta đã buộc phải đốt bỏ một lượng khí thiên nhiên khổng lồ ngoài khơi, khoảng 4,5 tỷmét khối!

    Nói như vậy, hẳn nhiều bạn đọc sẽ tiếc nuối vì sao chúng ta để lãng phí như thế? Nhưng việc xử lý khí đồng hành cần đầu tư rất lớn và về chiến lược, chúng ta đã có chủ trương khai thác khí từ rất sớm.

    Đưa khí về đất liền

    Tại Bảo tàng Dầu khí Việt Nam ở Hà Nội hiện còn lưu giữ một văn bản đánh máy rô-nê-ô đã úa màu thời gian. Đó là bản Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7-7-1988 của Bộ Chính trị ra đời chỉ 2 năm sau khi tìm ra dầu đã chỉ đạo khai thác khí. Nghị quyết nhấn mạnh: “Nhanh chóng lập phương án trước năm 1995 sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”.

    Từ năm 1993, dự án sớm đưa khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ đã được triển khai. Ngày 17-4-1995, khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã về tới trạm phân phối khí Bà Rịa và đến ngày 26-4-1995, Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa phát ra dòng điện bằng khí đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia. Tiếp đó là dự án nâng mức cung cấp lên 2 triệu mét khối khí/ngày để bảo đảm nhiên liệu cho Nhà máy điện Phú Mỹ vận hành năm 1997. Theo ông Lê Như Linh, để đưa khí vào bờ, tổng vốn đầu tư lên đến 600 triệu USD. Bỏ ra một số tiền “khủng” như vậy vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước thể hiện một tư duy đột phá.

    Còn với những người làm công việc ngoài giàn nén khí, ông Nguyễn Xuân Lanh kể: “Những năm 1997-1999 là thời kỳ vô cùng khó khăn, gian khổ. Thiết bị mới, công nghệ mới, con người mới nên sự cố xảy ra liên tục. Ở giàn nén trung tâm, có khi vừa bưng bát cơm lên, chợt thấy tiếng rít inh tai như máy bay phản lực sà thấp, kèm ánh lửa sáng rực cả vùng từ đuốc, lại phải buông bát, chạy như chạy giặc sang giàn. Nhiều hôm trầy trật đến tận khuya vẫn chưa khởi động giàn chạy lại được, phải ăn tạm mì ăn liền rồi làm việc tiếp”.

    Cuối năm 1999, chuyên gia vận hành rút về nước, đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật đã nhanh chóng làm chủ công tác vận hành công trình có độ phức tạp cao, hiện đại bậc nhất khu vực lúc bấy giờ.

    Những đường ống công nghiệp hóa

    Đến nay, dự án khí Bạch Hổ đang được vận hành và khai thác một cách hoàn chỉnh, đạt hiệu quả cao. Với giàn nén khí ngoài khơi, hệ thống đường ống khí dài hơn 150km từ bể Cửu Long đến Nhà máy Điện Bà Rịa, Phú Mỹ, Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải, hằng năm cung cấp 1,5 tỷ mét khối khí khô, 300.000 tấn khí hóa lỏng và 150.000 tấn Condensate. Với hệ thống khí này, từ năm 1999, nước ta đã sản xuất được khí LPG và Condensate hóa lỏng, không còn phải nhập khẩu.

    Tháng 12-2002, Dự án thu gom và sử dụng khí bể Nam Côn Sơn có tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, công suất 8 tỷ mét khối khí/năm hoàn thành. Hệ thống đường ống dài hơn 400km từ biển khơi về Phú Mỹ, cung cấp cho các nhà máy điện, khu công nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Hàng loạt nguồn khí được khai thác từ các mỏ Lan Tây, Lan Đỏ năm 2002; Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây năm 2006; Chim Sáo, Dừa năm 2011; Hải Thạch, Mộc Tinh năm 2013 được chuyển qua đường ống này. Hiện nay, đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng đường ống Nam Côn Sơn 2 để vận chuyển, xử lý khí từ nhiều mỏ về bờ từ năm 2018.

    Hệ thống khí thứ 3 mang tên PM3-Cà Mau được hoàn thành tháng 4-2007, khai thác khí trên khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a, vận chuyển bằng đường ống dài hơn 300km đã hình thành nên cụm khí-điện-đạm Cà Mau với công suất 2 tỷ mét khối khí/năm; góp phần bừng sáng đất U Minh và đổi thay cả vùng Tây Nam Bộ.

    Hệ thống khí thứ 4: Hàm Rồng-Thái Bình với công suất 500 triệumét khối khí/năm mới vận hành từ tháng 8-2015, phục vụ cho những khu công nghiệp tại Thái Bình và các tỉnh lân cận, mở đường cho việc phát triển khí tại miền Bắc.

    Ngoài 4 hệ thống khí trên, dòng khí từ biển khơi còn giúp hình thành hệ thống kho chứa Condensate, LPG khổng lồ; hệ thống cung cấp khí CNG (một loại nhiên liệu sạch thay thế cho xăng, dầu DO, FO), khí thấp áp, CNG, LPG, ống thép… trên khắp mọi miền đất nước.

    Nhìn trên thềm lục địa và các vùng biển Việt Nam, nước ta có tới 8 bể trầm tích dầu khí. So với “dầu”, ngành công nghiệp khí đã thực sự đi trước khi đến nay, khai thác ở 4/8 bể khí. PVGAS còn đặt mục tiêu vươn ra thị trường quốc tế, vươn lên hàng thứ 4 khu vực ASEAN và có tên trong các tập đoàn khí mạnh của châu Á.

    Những “nhà máy điện Hòa Bình” ở phía Nam Tổ quốc

    Còn nhớ, khi sự cố đường ống dẫn khí PM3 xảy ra đầu năm 2014, một tổ máy của Nhà máy điện Ô Môn, 3 tổ máy tuabin khí của các nhà máy điện Cà Mau phải chuyển sang chạy bằng dầu DO, chỉ riêng tiền phát sinh đã lên tới 70 tỷ đồng/ngày cũng đủ thấy tầm quan trọng của khí lớn như thế nào đối với an ninh năng lượng. Theo ông Nguyễn Mậu Dũng, Phó tổng giám đốc PVGAS, tính ra, chỉ riêng việc đưa khí vào sử dụng thay thế dầu DO để sản xuất điện đã tiết kiệm cho đất nước khoản ngoại tệ gần 10 tỷ USD từ chênh lệch giữa giá khí và giá dầu DO.

    Chính nhờ các đường ống dẫn khí mà dải đất phía Nam của Tổ quốc hầu như chưa có nhà máy điện đã hình thành ở Bà Rịa-Vũng Tàu và Cà Mau 2 trung tâm sản xuất điện năng lớn nhất nước. Ông Hồ Tuấn Kiệt, Phó giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau cho biết, tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng 2 nhà máy điện dầu khí ở Cà Mau đã mang lại công suất tương đương một nhà máy thủy điện Hòa Bình ở phía Nam Tổ quốc, chiếm 7% tổng sản lượng điện quốc gia. Nhìn xa hơn thì Dự án Khí-Điện-Đạm Cà Mau cùng với Dự án khí Lô B-Ô Môn đưa khí từ biển Tây đến tổ hợp các nhà máy điện ở Ô Môn (Cần Thơ) sẽ đưa Đồng bằng sông Cửu Long thành một trung tâm năng lượng của Việt Nam.

    Hướng tới đầu tư “thượng nguồn”

    Khí đã về đất liền nhưng công việc trước mắt là phải xây dựng cho nhanh Nhà máy xử lý Khí Cà Mau. Chuyện là, hóa ra lâu nay, dù đã có cả tổ hợp khí điện đạm Cà Mau, nhưng theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Ban Quản lý Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau, nhiều phần khí có giá trị cao vẫn chưa được tách ra khai thác “tinh” mà mới xử lý thô, giá trị gia tăng chưa cao. Hiện dự án được phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến năm 2015 mới khởi công và theo dự kiến, đến mùa hè năm 2017 mới đi vào hoạt động. Ông Huy cho hay, chậm một ngày sẽ lãng phí hàng trăm nghìn USD do khí “tinh” chưa được bóc tách.

    Đó cũng là trăn trở của những người “dẫn khí”. “Nếu chỉ làm cái việc hút khí rồi tải về ống đem bán thì vẫn chưa tối ưu mà cần làm từ A đến Z. Phải phát triển một ngành công nghiệp khí hoàn thiện. Không chỉ vận chuyển, xử lý rồi mang bán như hiện nay mà phải trở thành chủ đầu tư, tự đầu tư, khai thác các mỏ khí, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ thu gom, sơ chế mà phải tinh chế ra nhiều sản phẩm. Không chỉ chế biến mà phải chế biến sâu-tàng trữ-dịch vụ-kinh doanh, tham gia hoạt động đầu tư thượng nguồn, đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí”-ông Lê Như Linh nói. Sẽ có nhiều sản phẩm mới đến tận căn bếp hay chiếc xe của mỗi gia đình như khí thiên nhiên nén CNG, sạch và rẻ hơn so với xăng, dầu đến 30%. Hiện đã có hơn 250 phương tiện giao thông dùng CNG ở TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu.

    Nói không ngoa thì chính công nghiệp khí đã phá vỡ một phần thế độc quyền của ngành điện lực. Ngành công nghiệp khí tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng đã làm được rất nhiều điều lớn lao. Như một mũi xung kích, các dòng khí từ biển khơi đã thổi luồng sinh khí không nhỏ vào con tàu đổi mới...

    Ghi chép của NGUYÊN MINH
     
  3. NoName

    NoName Member

    Tham gia ngày:
    20/7/12
    Bài viết:
    637
    Đã được thích:
    19
    Điểm thành tích:
    18
    Bài 3: Đồng xanh từ dòng sữa biển mẹ

    QĐND - Dầu khí không chỉ làm đổi thay công nghiệp mà còn cả với nông nghiệp. Dòng khí từ biển khơi mang về cùng sự ra đời củaNhà máy Đạm Phú Mỹ và Cà Mauđã giúp người nông dân cả một vùng Đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu được hưởng lợi rất nhiều. Bài toán an ninh phân bón, phải phụ thuộc nước ngoài nhập khẩu phân đạm cũng không còn nữa…

    Mong chờ nửa thế kỷ

    Từng là người đã tham gia xây dựng Nhà máy Đạm Cà Mau từ những ngày đầu, anh Hoàng Trọng Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (còn gọi là Nhà máy Đạm Cà Mau), một trong hai nhà máy phân bón thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thấu hiểu đoạn trường của việc ra đời một nhà máy đạm. Xuất thân từ nhà nông, anh Dũng vẫn nhớ như in cái thời hợp tác xã, ở xứ Thanh quê anh, nhà nhà chờ đón phân đạm Liên Xô. Các cụ nói “nhất nước, nhì phân”, nhưng mong muốn có đủ phân đạm, không phải nhập khẩu từng là giấc mơ xuyên qua nhiều thập kỷ.

    [​IMG]
    Công nhân nhà máy vận chuyển phân đạm hạt đục. Ảnh: Nguyên Minh

    Thời chống Mỹ, ở miền Bắc, chỉ có duy nhất một Nhà máy Phân đạm Hà Bắc do Trung Quốc viện trợ, đang chạy thử thì bị Mỹ ném bom phá hoại, đến năm 1973 mới khôi phục, nhưng sản lượng rất ít, phần lớn phân bón vẫn phải nhập khẩu. Ước mơ có thêm những nhà máy phân bón từng thôi thúc bao thế hệ người Việt Nam, trong đó có những người làm dầu khí.

    Ông Lê Xuân Tùy, nguyên cán bộ Đoàn Địa chất Xuân Thủy 36N, kể: “Vào khoảng năm 1973, khi khoan giếng khoan 102 tại Xuân Thủy, Nam Định, chúng tôi phát hiện khí thiên nhiên áp suất cao, ai cũng rất mừng vì nguồn khí này có thể cho ra đời dự án nhà máy đạm 600 tấn amoniac/ngày, đặt tại Núi Đính (Ninh Bình) do Liên Xô giúp đỡ. Nhưng dự án không thành vì… khí ít quá”.

    Ngay cả khi đất nước đã hòa bình, cũng chưa thể làm thêm nhà máy đạm ngay. Phải đến năm 1986, khi Vietsovpetro khai thác những tấn dầu đầu tiên, giấc mơ xây dựng nhà máy phân đạm từ khí mới được “tái khởi động”. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7-7-1988 của Bộ Chính trị nêu rõ: “… sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”.

    Nhà máy phân bón dầu khí đầu tiên

    Từ năm 1995, Dự án xây dựng Liên hợp điện-đạm tại Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) được triển khai với nhà máy phân đạm công suất 740.000 tấn urea/năm, sử dụng công nghệ của Đan Mạch) để sản xuất khí amoniac và I-ta-li-a. Đây là các công nghệ hàng đầu trên thế giới.

    Kỹ sư Cao Tùng Sơn, Phó tổng giám đốc Vietsovpetro, nguyên Giám đốc đầu tiên của Nhà máy Phân đạm Phú Mỹ nhớ lại: “Việc lựa chọn những công nghệ tiên tiến nhất khi xây dựng nhà máy phân đạm đầu tiên đã thể hiện rõ tư duy chiến lược của ngành dầu khí, muốn góp phần cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp bằng sản phẩm tiên tiến nhất”.

    Khi tiến hành kêu gọi đầu tư, dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng gặp phải không ít khó khăn. Chi phí đầu tư lớn, 445 triệu USD, thế giới và khu vực vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính (1997-1998), giá phân bón thế giới xuống thấp, độ rủi ro cao, các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà hoặc đặt ra nhiều điều kiện mà Chính phủ khó chấp nhận. Nhưng có thực mới vực được đạo, ngành dầu khí đã kiến nghị với Chính phủ về phương án tự đầu tư được chấp nhận làm chủ đầu tư.

    Chỉ sau 3 năm xây dựng, ngày 4-6-2004, nhà máy có sản phẩm urea đầu tiên. Không những đúng tiến độ, nhà máy còn tiết kiệm chi phí đầu tư tới 65 triệu USD. Việc tập đoàn tự vay vốn, tự đầu tư xây dựng khu Khí-Điện-Đạm Phú Mỹ và Khí-Điện-Đạm Cà Mau quả là một hướng đi mạnh dạn, táo bạo nhưng cũng đầy trách nhiệm chính trị.

    Thời gian càng lùi xa càng thấy rõ hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn của các nhà máy phân bón dầu khí trong sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chỉ sau 4 năm hoạt động, đến cuối năm 2008, vốn vay cho dự án đã được hoàn trả xong và đến nay, nhà máy đã cán mốc sản lượng 8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu phân đạm của cả nước, làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ USD do không phải nhập khẩu phân bón.

    Nhà máy thứ hai: Không còn nhập khẩu phân bón

    Một năm sau ngày đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau hoàn thành, ngày 26-7-2008, nhà máy phân bón dầu khí thứ hai – Nhà máy Đạm Cà Mau được khởi công. Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau kể lại bối cảnh ra đời nhà máy lúc bấy giờ. Tuy đã có “đạm Phú Mỹ” nhưng nhu cầu phân bón của nước ta lúc đó vẫn rất cao, lên đến hơn 1,7 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 50%. Tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhu cầu phân đạm cao nhất thì lại chưa có nhà máy nên phải lệ thuộc phân nhập khẩu. Cứ vào mùa, thương lái ép giá phân bón tăng vọt. Vì thế, sự ra đời của đạm Cà Mau còn có vai trò lớn hơn cả đạm Phú Mỹ, vừa khai thác tốt dòng khí trên vùng biển chồng lấn (nếu không sẽ phải xuất khẩu với giá rẻ), vừa góp phần cân bằng nguồn cung phân bón cho cả vùng Tây Nam Bộ rộng lớn.

    Sau 42 tháng thi công, lắp đặt, ngày 29-1-2012, nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động. Nhà máy vận hành đã 3 năm, nhưng đến thăm nhà máy, ở từng chiếc van, từng mối hàn, chúng tôi đều bắt gặp dấu niêm phong, chữ ký mang tên từng người thợ, người giám sát. Đúng là một cách quản lý “Made in Dầu khí”, chặt chẽ đến từng mối hàn, từng ốc vít đều quy trách nhiệm. Có lẽ nhờ thế mà nhà máy có tốc độ xây lắp nhanh nhất tại Việt Nam và còn tiết kiệm gần 200 triệu USD. “Chặt tới mức có lần nhà thầu nước ngoài đưa sang 20 thợ hàn bậc cao, nhưng chúng tôi khảo sát và loại tới 17 “ông” – Kỹ sư Hoàng Trọng Dũng kể. Đến nay, nhà máy đã hoạt động đạt 100% công suất thiết kế, cung cấp liên tục gần 2 triệu tấn sản phẩm urê mang thương hiệu mới “Hạt ngọc mùa Vàng”. Đạm Cà Mau đã trở thành lựa chọn số 1 của nông dân miền Tây Nam Bộ với 60% thị phần.

    Đi trướcvớicông nghệ xanh

    Vì sao chỉ 3 năm bước vào thị trường, đã có tới 60% nông dân chọn đạm Cà Mau? Theo Kỹ sư Hoàng Trọng Dũng, có hai nguyên nhân: Gần nông dân, hiểu nông dân và hướng tới công nghệ xanh.

    Người dầu khí tưởng như chỉ giỏi tìm dầu, hút khí nhưng khi nhập cuộc thương trường lại cần mẫn đến từng cánh đồng, lội qua từng nẻo kênh rạch, xây dựng hệ thống phân phối chằng chịt. Tham gia chương trình xóa cầu khỉ, đạm Cà Mau xung phong làm tới 1.400 chiếc, vừa làm, vừa tạo cầu nối đưa hạt đạm về khắp bưng biền. “Người bán hàng ai cũng muốn bán thật nhiều hàng. Nhưng tui thấy các cô chú đạm Cà Mau thiệt chân tình, tư vấn cho tụi tui bón đúng cách, không bón nhiều, bón thừa. Đúng là bạn của nhà nông, chơi được” – Tham dự cuộc hội thảo do nhà máy tổ chức cùng hơn 600 nông dân, ông Nguyễn Văn Sáu-xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An ngợi khen. Mấy năm qua, nhà máy đã đi khắp miệt vườn, tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, tư vấn cho hàng vạn nông dân như thế.

    Còn về công nghệ xanh, ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án cụm Khí Điện Đạm Cà Mau cho biết, ngay từ đầu, chúng tôi muốn chọn sản xuất đạm hạt đục, một công nghệ chưa nhà máy nào ở Việt Nam sản xuất. Công nghệ tiên tiến nhất được lựa chọn.

    Cầm trên tay ba chiếc lọ nhỏ chứa 3 loại phân đạm mang 3 màu “đen”, “trắng, “nâu”, ông Nguyễn Đức Thành giãi bày với chúng tôi về mong muốn cùng nông dân xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, giá trị cao. Những người dầu khí ngay từ khi xây dựng nhà máy đã trăn trở phải làm sao thực hiện được điều đó. Có một thực tế, phân đạm là thứ không thể thiếu trong gieo trồng nhưng nếu dùng loại phân truyền thống, lâu ngày sẽ khiến đất bị chai, bạc màu. Vì thế, cùng với công nghệ đạm hạt đục, nhà máy đã sản xuất được loại đạm “đen”. Phía ngoài màu đen là lớp hữu cơ bọc lấy bên trong là hạt đạm đục nguyên thủy. Với loại đạm này, đất sẽ được bồi bổ, cây cối cũng tốt hơn. Nhà máy còn kết hợp với viện nghiên cứu của GS Nguyễn Lân Dũng sản xuất thêm loại phân vi sinh rất hữu ích cho cây trồng. Vẫn chưa hài lòng, nhà máy còn muốn sản xuất thêm phân đạm “xanh”, nghĩa là sẽ bọc thêm một lớp hữu cơ nữa để nó phân giải chậm hơn tới 25-40%, giúp tiết kiệm cho nông dân hơn nữa. Nhà máy cũng đã suy nghĩ tới việc sử dụng củi trấu, rơm rạ thừa tại chỗ để làm phân vi sinh, không còn cảnh “coi khói đốt đồng đường mòn xưa dãi nắng dầm mưa”.

    Ông Nguyễn Đức Thành cho biết thêm, nhà máy đã ký kết với Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, mời nông dân đến từ những cánh đồng lớn tham gia hợp tác. Nếu chỉ bán hạt đạm cho nông dân thì đơn giản quá. Hạt đạm giờ đây, từ bàn tay người dầu khí đến nông dân đang được gắn với chuỗi giá trị liên kết. Làm sao để người nông dân sẽ làm ra sản phẩm sạch và có giá trị gia tăng cao như một giống lúa ở Nhật cho gạo ngon có giá bán cao gấp 13 lần bình thường. Hay nhờ chuỗi liên kết, rồi nông dân sẽ phải hướng tới mô hình như ở Ixraen, trồng cây chất lượng cao, bón phân gì, lúc nào, bón bao nhiêu đều qua hệ thống máy tính kết nối gửi về nhà máy.

    Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, theo kết quả nghiên cứu của Cục Trồng trọt, đạm hạt đục Cà Mau chậm tan hơn và cho hiệu quả tác dụng lâu bền hơn trên cây lúa, vừa chống thất thoát đạm, đồng thời giúp cây lúa có thời gian hấp thu dinh dưỡng tốt nhất, giúp nông dân tiết kiệm được 10% lượng phân bón.

    Giờ đây, miền Bắc có đạm Hà Bắc, Ninh Bình, miền Đông Nam Bộ có đạm Phú Mỹ, miền Tây Nam Bộ có đạm Cà Mau, nền nông nghiệp nước nhà đã tự chủ được nguồn phân bón, không còn nhu cầu nhập khẩu, không còn cảnh nông dân phấp phỏng lo thương lái ép giá phân bón. Bài toán “nhất nước nhì phân” đã được hóa giải. Có được điều đó chính là nhờ bàn tay, khối óc người thợ dầu khí đã đi qua những chặng đường rất ngắn, chỉ trong mươi năm hiện thực hóa giấc mơ kéo dài hàng thế kỷ, góp sức làm xanh tươi hơn những cánh đồng từ dòng khí thiên nhiên – dòng sữa từ biển Mẹ Tổ quốc.

    Bài 4: Thế đứng trên biển

    Ghi chép củaNGUYÊN MINH
     
  4. NoName

    NoName Member

    Tham gia ngày:
    20/7/12
    Bài viết:
    637
    Đã được thích:
    19
    Điểm thành tích:
    18
    Bài 4: Thế đứng trên biển (Tiếp theo và hết)

    QĐND - Cách đây ít lâu, câu chuyện Việt Nam không sản xuất được ốc vít từng làm nóng nghị trường Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã dẫn chứng Việt Nam là một trong 10 nước sản xuất được giàn khoan tự nâng để đáp trả lập luận sai lệch đó. Nhưng, đó vẫn chưa phải là thành tựu lớn xung quanh cái giàn khoan. Thành công lớn nhất lại là câu chuyện chiếc cần câu và con cá, làm thuê hay làm chủ. Đã có những bước đi mạnh mẽ làm thay đổi vị thế những người Việt Nam nhỏ bé trên hệ thống giàn khoan lừng lững giữa đại dương xanh thẳm...

    Giấc mơ giàn khoan

    TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kể rằng, những ngày đầu khai thác dầu khí, 100% máy móc, thiết bị do Liên Xô viện trợ. Người Việt Nam chỉ là những tay thợ quê mùa đảm nhiệm những công việc đơn giản. Thời ấy có người nói, Liên Xô lừa Việt Nam để nhằm lấy tài nguyên của Việt Nam. Nhưng thật ra, hằng năm, Liên Xô phải viện trợ cho Việt Nam một triệu tấn dầu, thậm chí phải bỏ tiền ra mua dầu ở I-rắc rồi chuyển cho Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng và nhân dân Liên Xô đã thay đổi quan điểm chiến lược: Phải giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp dầu khí. Cho “cần câu” chứ không cho “cá”.

    [​IMG]
    Trên công trường thi công giàn khoan Tam Đảo 05. Ảnh: VĂN MINH

    Khát vọng sở hữu giàn khoan từng cháy bỏng trong cả những nhà lãnh đạo cấp cao như đồng chí Đỗ Mười. “Vào đầu tháng 3-1981, ở cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đã đến kiểm tra hạ thủy chân đế giàn khoan đầu tiên của Vietsovpetro. Thiết bị, người lắp ráp 100% từ Liên Xô. Ông hỏi: "Một chân đế giàn khoan có bao nhiêu tấn thép, loại mác gì? Bao nhiêu bu-lông, mác thép, kích cỡ…?". Trong gương mặt suy tư của ông, tôi nhận ra ông trăn trở Việt Nam có thể làm được gì, để không phải nhập từ Liên Xô”-TS Ngô Thường San kể.

    Mơ ước vẫn chỉ là ước mơ, bởi để sở hữu một giàn khoan là bài toán tầm cỡ quốc gia. TS Văn Đức Tờng, Phó tổng giám đốcTổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí(PV Drilling), người đã hơn 35 năm lăn lộn vận hành hầu hết giàn khoan ở Việt Nam, cho biết: Giàn khoan biển là tổ hợp của nhiều công trình, có sân bay nối với đất liền, có khách sạn, có hệ thống hàng hải, định vị hàng hải vệ tinh... Nếu giàn khoan trên đất liền tốn khoảng 20 triệu USD thì giàn khoan trên biển phải hơn 200 triệu USD.

    Một người dám nghĩ và một người… dám quyết

    Người dám nghĩ, ấy là một “người hùng” của ngành dầu khí, có cái tên hơi lạ, Đỗ Văn Khạnh,nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Năm 1992, ông Khạnh là Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh dầu khí giữaTổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)và Na Uy. Ông sớm nhận ra rất khó có một ngành công nghiệp khoan độc lập, tự chủ vì các ông Tây luôn giấu nghề. Ông Khạnh bàn với Tổng giám đốcPTSC: Nếu không đầu tư sở hữu giàn khoan thì mãi chúng ta vẫn chỉ là người đi làm thuê cho các giàn khoan nước ngoài trên vùng biển của chính chúng ta. Cơ hội cũng đã đến khi hai năm sau, liên doanh kết thúc, theo đề nghị của ông, Xí nghiệp Dịch vụ Dầu khí biển (PTSC Offshore) ra đời chỉ vỏn vẹn có ông, một kế toán trưởng và một lái xe, sau đó quần tụ được 20 người. Công việc ban đầu là sửa chữa, cho thuê thiết bị khoan. Trước đó, các thiết bị giàn khoan của ta phải mang đi tận Xin-ga-po sửa. Công ty dần trở thành nơi sửa chữa thiết bị dầu khí vào loại lớn nhất Đông Nam Á.

    Có tiền, ước mơ đầu tư và điều hành các giàn khoan bùng cháy. Ngày 26-11-2001, PV Drilling ra đời. Song, muốn “mơ” cũng đâu dễ dàng. Đầu tư một giàn khoan hàng trăm triệu USD là một gánh nặng ngân sách. Việt Nam lại chưa từng sở hữu giàn khoan. Nếu thua lỗ hàng trăm triệu USD, ai chịu trách nhiệm? Tình hình căng đến mức Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó phải họp với lãnh đạo tập đoàn để “quyết”.

    Hôm ấy, Đỗ Văn Khạnh không thuộc thành phần dự họp, chỉ ngồi ngoài phấp phỏng chờ kết quả. Cuộc họp vẫn tranh luận gay gắt. Bất ngờ cuối buổi, một người trong phòng họp bước ra: “Thủ tướng cho gọi anh Khạnh!”. Ông Khạnh vui mừng bước vào phòng họp. Thủ tướng Phan Văn Khải tỉ mỉ hỏi: “Việt Nam chưa bao giờ tự vận hành giàn khoan. Vậy giờ có làm được không?... Có giàn khoan thì lỗ hay lãi?”. Ông Khạnh trình bày: “Thưa Thủ tướng, hiện Việt Nam đang phải đi thuê 10 giàn khoan của nước ngoài. Tiền thuê mỗi ngày của một giàn là 100.000USD, 10 giàn là 1 triệu USD/ngày; chưa đầy 3 năm đã mất cả tỷ USD. Nếu ta có giàn khoan chắc chắn lãi, tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ cho đất nước”. Thủ tướng chăm chú nghe nhưng vẫn băn khoăn: “Tôi vừa nghe báo cáo là đến bây giờ, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a cũng chưa tự vận hành được các giàn khoan biển. Vậy ta có làm được không?”. Ông Khạnh quả quyết: “Làm được ạ!”. Dù vẫn còn ý kiến bàn lùi, nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải “chốt hạ”: “Thôi, không bàn nữa. Chúng ta cần có giàn khoan của Việt Nam!”.

    Nhờ hướng đi táo bạo ấy, PV Drilling đã ra đời, nay là tổng công ty khoan lớn nhất Đông Nam Á và là một trong bốn nhà thầu khoan lớn nhất châu Á.

    Từ thuê đóng đến tự đóng và xuất khẩu

    Năm 2007 đã trở thành dấu mốc lịch sử khi Việt Nam sở hữu tới 3 giàn khoan, đều do PV Drilling đầu tư. Mở đầu là giàn khoan PV Drilling I được đóng theo mẫu thiết kế của Xin-ga-po, hạ thủy ngày 24-3-2007. Kế đó, hai giàn khoan tự nâng PV Drilling II và PV Drilling III hoàn thành năm 2009.PV Drilling 11-một giàn khoan đất liền tiếp tục được đầu tư để theo đuổi chiến lược đầu tư ở nước ngoài. Đặc biệt, tháng 10-2009, PV Drilling đã đóng mới giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) PVDrillingV để khoan phát triển mỏ khí lớn nhất Việt Nam.

    TS Văn Đức Tờng cho biết: “Giàn PVDrillingI đóng với giá rẻ nhưng khi đi cho thuê thu về tới 230.000USD/ngày và đã thu hồi vốn nhanh chóng. Còn giàn PVDrillingV, cho thuê với 235.000USD/ngày. Mỗi năm, doanh thu từ giàn khoan của PV Drilling đạt gần 15.000 tỷ đồng lãi ròng trên dưới 2.000 tỷ đồng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam hiện đã xuất khẩu và cho thuê giàn khoan cho nhiều nước trên thế giới…

    Nghề khoan đã tỏ đường đi, lối về

    Trong “binh chủng” thiết kế chế tạo giàn khoan, phải kể đến một đơn vị mạnh khác là Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) mới ra đời từ năm 2007. Đơn vị được giao làm tổng thầu “Giàn khoan tự nâng 90m nước” Tam Đảo 03-công trình cơ khí trọng điểm quốc gia đầu tiên do Việt Nam chế tạo, triển khai từ năm 2008, hạ thủy ngày 31-8-2011. Tam Đảo 03 mở ra cánh cửa, Việt Nam không chỉ sửa chữa, vận hành mà đã có thể chế tạo theo công nghệ giàn khoan hiện đại, phức tạp nhất thế giới. Sự kiện ấy còn ghi tên Việt Nam vào một trong số ít nước trên thế giới chế tạo được giàn khoan loại này.

    Ông Phan Tử Giang, Chủ tịch HĐQT PV Shipyard, nhớ lại: “Lúc đó, cũng có nhiều người đặt câu hỏi Việt Nam có làm được không? Nhưng chúng tôi đã làm được công trình phức tạp, như một ngôi nhà di động trên biển và phải chính xác tuyệt đối. Cái khó và phức tạp nhất là phải tích hợp, kết nối hơn 2.000 chủng loại thiết bị khác nhau, chỉ riêng đường dây điện nếu nối lại dài bằng từ Hà Nội vào Nghệ An. Chỉ một thiết bị sai lệch, cả hệ thống sẽ “câm lặng”, coi như “bỏ đi”! Song chúng tôi đã thành công, được Cơ quan đăng kiểm hàng hải Hoa Kỳ (ABS) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế".

    Chúng tôi có mặt tại Cảng hạ lưu PTSC Vũng Tàu - Bãi chế tạo PV Shipyard. Đầu đông nhưng nắng vẫn chói chang trên áo đồng phục Dầu khí đỏ chói. Từ xa, đập vào mắt chúng tôi là tòa “nhà”, khối sắt lừng lững, khổng lồ đang rầm rập tiếng máy nổ và loe lóe những ánh lửa hàn chớp liên hoàn. Anh Trần Quang Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Tập đoàn Dầu khí chỉ tay nói với giọng tự hào: “Đó là Tam Đảo 05-giàn khoan lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay! Còn nói về công nghệ, nó ngang ngửa Hải Dương 981”.

    Leo lên tòa nhà khổng lồ, chui vào từng tầng, chúng tôi không khỏi kinh ngạc khi những người làm dầu khí hôm nay đã làm được giàn khoan hiện đại mà mới 9 năm trước tưởng như còn là một giấc mơ xa vời… Mới đó thôi, trước năm 2007, chúng ta chưa tự thiết kế, chế tạo một giàn khoan di động nào. Nay ta tự mang sức ta đóng giàn khoan cho ta, lại là loại giàn khoan hiện đại nhất thế giới, do người Việt làm gần như từ A đến Z…

    Giàn khoan Tam Đảo 05 đóng cho Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, là giàn khoan tự nâng lớn nhất Việt Nam do Việt Nam thi công 100% theo thiết kế của Hoa Kỳ, với tổng khối lượng khoảng 18 nghìn tấn sắt thép, có thể khai thác ở độ sâu 120m và khoan với độ sâu 9km. Trên công trường thường xuyên có 800 người, khi cao điểm nước rút, có thể huy động đến 3.000 người. Khi làm Tam Đảo 03, ta phải thuê 13 chuyên gia nước ngoài hỗ trợ quản lý dự án và thiết kế chi tiết thì nay tại Tam Đảo 05, ta chỉ phải thuê 3 chuyên gia. Nếu như dự án giàn Tam Đảo 03 đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 34,6%, thì giàn khoan Tam Đảo 05 đạt 45%.Ông Nguyễn Nam Anh, Phó tổng giám đốc PV Shipyard, cho biết: “Từ Tam Đảo 03 đến Tam Đảo 05 đánh dấu một bước nhảy về chất. Người Việt Nam đã có thể làm được những gì khó nhất trong nghề chế tạo giàn khoan”.

    Tam Đảo 05 sẽ giúp Vietsovpetro tiến xa hơn trong khai thác, thăm dò dầu khí ở cả các vùng nước sâu hơn, xa bờ hơn, độ nghiêng đáy biển lớn hơn, môi trường biển khắc nghiệt hơn.

    Trên toàn thế giới hiện nay, tổng số giàn khoan trên biển chỉ khoảng gần 700 chiếc. Những nước đóng được giàn khoan tự nâng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lớn hơn câu chuyện tiết kiệm ngoại tệ là thế đứng vững vàng của người làm dầu khí trên Biển Đông, là biểu hiện độc lập, tự chủ ở ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước…

    Chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình, Phó chủ tịch Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, nhận xét: "Từ trước tới nay chúng ta đều phải mua giàn khoan của nước ngoài, từ những giàn cũ đã qua sử dụng, giàn được viện trợ, rồi dần tới việc thuê giàn khoan mới, mua mới, sau đó đến mua bản vẽ thiết kế và tự chế tạo. Nhưng lần này khác ở chỗ là dù mua thiết kế cơ bản của nước ngoài, nhưng ta có thể thực hiện công đoạn thiết kế chi tiết - công nghệ, tức là vẽ bản thiết kế chi tiết cho từng phân đoạn, từng bộ phận thiết bị, qui trình bản vẽ thi công chạy thử và sau đó là tự chế tạo theo tiêu chuẩn và quy định của nước ngoài".

    Ghi chép của
    NGUYÊN MINH
     

Chia sẻ trang này