Chỉ một ngày sau khi nhà đầu tư Thái Lan PTT chính thức trình Bộ Công Thương xem xét dự án lọc hóa dầu 22 tỉ đô la Mỹ ở Bình Định, dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô cũng chính thức được động thổ. Trước đó, đại diện tập đoàn Malaric (Canada) cũng lên tiếng muốn được tham gia đầu tư dự án lọc hóa dầu Nam Vân Phong... Việt Nam có đang bị “bội thực”các dự án lọc hóa dầu? 10 năm chuẩn bị mới động thổ Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô đã được nhà đầu tư nước ngoài thỏa thuận với chính quyền tỉnh Phú Yên từ cuối năm 2004, tức đến nay đã gần 10 năm, nhưng do một số trở ngại như phải điều chỉnh lại quy mô dự án cùng nhiều vướng mắc trong khâu giải tỏa đền bù khu đất của dự án nên đến nay mới động thổ. Tháng 11-2007, UBND tỉnh Phú Yên cấp phép cho Công ty Technostar Management Ltd (Anh) và Telloil (Nga) đầu tư với số vốn 1,7 tỉ đô la Mỹ, công suất thiết kế là 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ về thị trường, chủ đầu tư của dự án này quyết định nâng công suất lên gấp đôi với mức vốn đầu tư mới khoảng 3,18 tỉ đô la Mỹ. Dự kiến nhà máy lọc dầu này sẽ có sản phẩm vào năm 2017, sẽ đóng góp ngân sách nhà nước hơn 110 triệu đô la Mỹ mỗi năm và tạo việc làm ổn định cho 1.300 lao động địa phương. Đến siêu dự án 22 tỉ đô la Mỹ tại Nhơn Hội Một dự án đang gây nhiều tranh cãi hiện nay là dự án khả thi Nhà máy Lọc hóa dầu Nhơn Hội tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) vừa mới được Tập đoàn dầu khí PTT (Thái Lan) chính thức trình lên Bộ Công Thương xem xét và chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ. Dự án trước đây có tổng vốn đầu tư dự kiến là 28,7 tỉ đô la Mỹ nay được PTT điều chỉnh xuống còn khoảng 22 tỉ đô la Mỹ. Theo ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Nhơn Hội, tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội có quy mô ban đầu dự kiến 440.000 thùng/ngày, tương đương 20 triệu tấn dầu thô/năm, gấp gần bốn lần Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện nay. Hiện Bình Định đã chuẩn bị sẵn quỹ đất khoảng 2.000 héc ta cho việc xây dựng tổ hợp này. Phương án thu xếp vốn ban đầu sẽ là PTT góp khoảng 40% vốn, và đối tác đến từ Trung Đông là Saudi Aramco (Ảrập Saudi). Số còn lại huy động từ đối tác khác hoặc vay thương mại. Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết tổ hợp dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội là ưu tiên lớn nhất của tỉnh hiện nay. Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng cảng nước sâu Nhơn Hội để phục vụ việc bơm dầu thô từ cảng vào các nhà máy chế biến. Liệu có quá tải dự án hóa dầu? Bên cạnh Phú Yên, Bình Định hiện một số tỉnh thành khác cũng có dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu với quy mô vốn lên đến cả chục tỉ đô la Mỹ. Hiện Việt Nam có hai nhà máy lọc dầu đang hoạt động là Dung Quất (Quảng Ngãi) và một nhà máy nhỏ khác là Nhà máy Lọc dầu Cát Lái ở TPHCM. Riêng Nhà máy Dung Quất với công suất 6 triệu tấn/năm đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu nội địa và đang dự kiến sẽ nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm trước năm 2015. Ngoài ra, dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã chính thức khởi công cách đây được gần một năm tại khu kinh tế Nghi Sơn. Với vốn đầu tư khoảng 9 tỉ đô la Mỹ, nhà máy có tổng công suất giai đoạn 1 là 10 triệu tấn dầu thô/năm và sẽ nâng công suất giai đoạn 2 lên 20 triệu tấn dần thô/năm. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 và vận hành thương mại vào quí 1-2017. Công trình khi hoàn thành sẽ là nhà máy lọc dầu thứ 2 của Việt Nam, cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đảm bảo cung cấp hai phần ba nhu cầu sản phẩm hóa dầu trong nước. Chính phủ Kuwait cam kết cung cấp 100% nguyên liệu đầu vào cho cả đời dự án. Trong chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, chỉ có ba dự án lọc hóa dầu, đó là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn và sau đó là Vũng Rô. Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư xây dựng thêm các dự án mới và các chuyên gia kinh tế lo ngại Việt Nam sẽ lại “quá tải” nhà máy lọc dầu với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt khi thế giới đang dần chuyển sang đầu tư vào các nhà máy chế biến năng lượng sinh học và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác. Đơn cử siêu dự án 22 tỉ đô la Mỹ Nhà máy Lọc hóa dầu Nhơn Hội vốn không có trong quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam và bị hoài nghi về mức độ khả thi nhưng chính quyền tỉnh Bình Định vẫn đề xuất bổ sung dự án vào quy hoạch. Trước đó, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương không chấp nhận Nhà máy Lọc dầu Nhơn Hội vào quy hoạch vì sợ thừa nguồn cung, dù nhà đầu tư Thái Lan đã đưa định hướng một phần sản phẩm của Nhà máy Nhơn Hội là xuất khẩu. Trước sức hút đầu tư nước ngoài của ngành lọc hóa dầu Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần tính toán kỹ, nếu không sẽ đi vào “vết xe đổ” thủy điện. Theo giới quan sát, trữ lượng dầu mỏ trong nước không còn nhiều. Nguồn nguyên liệu dầu thô sẽ phải nhập khẩu, khó mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế trong khi phải ưu đãi nhiều. Mặt khác, ngành này nếu không có công nghệ xử lý hiện đại sẽ tác động xấu đến môi trường. Các chuyên gia đặt câu hỏi, liệu việc vận động để xây dựng các nhà máy lọc dầu có liên quan gì đến việc chạy đua dự án giữa các địa phương? Bởi khi Quảng Ngãi có tới 90% tổng thu ngân sách từ Dung Quất thì các tỉnh miền Trung khác (những nơi đều đã xây dựng cảng, khu kinh tế nhưng chưa thành công) cũng muốn có được một dự án lọc dầu.