Sưu tầm được bài viết của GS. Nguyễn Đình Cống về thói quen công việc của người thành đạt, ACE đọc để biết mình đang ưu tiên cho mảng công việc nào? have fun! --------------- Trong quyển sách “ Thói quen của người thành đạt”, tác giả Stêphen Corwey, có đưa ra hai chỉ tiêu cho công việc là sự quan trọng và tính cấp thiết. Ông phân công việc làm 4 loại: Loại 1- Công việc vừa quan trọng vừa cấp thiết. Loại 2- Quan trọng, không cấp thiết. Loại 3- Cấp thiết, không quan trọng. Loại 4- Không quan trọng, không cấp thiết. Một số người dành khá nhiều thời gian cho những công việc loại 1. Họ luôn tỏ ra bận rộn, thiếu thời gian. Công việc quan trọng, đáng ra phải được xem xét, cân nhắc kỹ, nhưng vì cấp thiết nên phải vội vàng, lắm khi đưa ra cách giải quyết không thoả đáng. Thế rồi vì quá căng thẳng, mệt mỏi do công việc, nên hở ra là họ chuyển sang các việc loại 4, đó là những trò giải trí tầm thường. Những người như vậy, một số là do không biết cách làm việc có hiệu quả, luôn bị công việc chi phối, số này, dù cho có địa vị cao thì cũng là loại bình thường, khó đi tới được những thành đạt lớn; Một loại khác cố làm ra vẻ bận rộn, luôn mồm kêu than vất vả vì các công việc quan trọng và cấp thiết để chứng tỏ sự quan trọng của bản thân mình, chứ thực ra chẳng có công việc gì đáng giá, loại người này là bắng nhắng của xã hội. Một số người chỉ chủ yếu làm các công việc loại 3, họ luôn bận rộn vào các vụ việc mà không cần biết nó quan trọng đến mức nào. Nhiều khi chỉ là những công việc, nghe qua thì thấy to tát, quan trọng nhưng xong rồi chẳng biết để làm gì. Những người vạch ra các việc loại 3 để bắt người khác làm là loại người, hoặc là kém cỏi (nếu không biết) hoặc là đểu cáng, lừa bịp (nếu biết việc không quan trọng mà vẫn thúc dục cấp dưới làm). Những người chỉ biết làm việc loại 3 chỉ nên là nhân viên bình thường, khó làm được quản lý, lãnh đạo (không nên làm lãnh đạo). Những người thành đạt biết tập trung một phần năng lực và thời gian thích đáng cho công việc loại 2. Họ cũng phải giải quyết công việc loại 1 và 3, thỉnh thoảng cũng dành ít thời gian cho việc loại 4, nhưng họ luôn quan tâm đến việc loại 2. Mức độ thời gian dành cho mỗi loại tuỳ thuộc vào từng người, từng giai đoạn, nhưng đại khái, trung bình như sau : Công việc loại 1 chiếm khoảng 50% thời gian, loại 2 chiếm 30%, loại 3 và 4, mỗi loại 10%. Một việc quan trọng thì sớm muộn gì cũng phải giải quyết. Nếu biết được sớm, suy nghĩ, tìm phương án dần, làm dần thì kết quả sẽ tốt hơn là chờ đến khi nó trở thành cấp thiết mới bắt đầu, “ nước đến chân mới nhảy”. Thí dụ, sinh viên được giao đồ án môn học, thời gian làm trong 30 ngày. Đó là việc quan trọng nhưng chưa cấp thiết. Nếu tìm hiểu cách làm và làm dần ngay từ đầu, khi đến hạn nộp bài thì không những làm xong, mà còn có thời gian xem lại, ôn tập để nắm vững, làm chủ từng số liệu, sẵn sàng, tự tin khi bảo vệ. Còn nếu không chịu làm (vì còn phải dành thời gian cho các việc loại 3 và 4…), để đến ngày thứ 25 mới đem ra làm thì công việc đã trở nên cấp thiết vì chỉ còn 5 ngày nữa ! Còn nếu đến ngày thứ 28 mới sực nhớ ra thì đã thành quá cấp thiết, chỉ lo đối phó, chứ có cách nào làm cho tốt được (ban ngày vừa rạng vừa chơi. Tối tắt mặt trời đổ lúa vào xay) . Vậy công việc loại 2 là những việc nào. Bạn tự suy nghĩ và trả lời lấy, nó thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, địa vị. nhưng đại khái có thể khái quát được là: 1/ Với một con người bình thường thì việc quan trọng mà chưa cấp thiết là giữ sức khỏe (bằng chế độ làm việc, ăn uống, luyện tập…), nâng cao năng lực (kiến thức, trình độ, nghề nghiệp…), thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp, có cơ sở kinh tế, vật chất ổn định… 2/ Với một thủ trưởng cơ quan thì đó là chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn, là xây dựng đội ngũ cán bộ, là thiết lập các mối quan hệ, là các biện pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc và đời sống nhân viên… Có một số ít người chỉ thích làm các việc loại 4 (chơi đùa, giải trí), trừ một số rất ít có trường hợp đặc biệt ra, còn lại là một lũ vô dụng, chỉ là cặn bã của xã hội.