Các nhà khoa học cảnh báo nếu không có giải pháp quyết liệt, bán đảo Cà Mau sẽ biến mất trong vài thập niên tới. Kịch bản này được đưa ra tại hội thảo công bố giai đoạn 1 dự án “Sự sụt lún đất của bán đảo Cà Mau” do Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) tổ chức ngày 17.6 tại TP.Cần Thơ. Hàng ngàn người dân sống ven biển Cà Mau sẽ bị ảnh hưởng trước tiên bởi nước biển dâng, mặt đất lún (ảnh chụp tại cửa biển Hố Gùi, Cà Mau) - Ảnh: Huỳnh Lâm Các chuyên gia nhận định Cà Mau đang chìm dần xuống do nạn khai thác nước ngầm và phá rừng tràn lan. Nếu những biện pháp đối phó không được triển khai nhanh chóng thì vài thập niên nữa Cà Mau sẽ biến mất. Bờ biển đã thụt vào từ 100 m đến 1.400 m NGI đã tiến hành khảo sát và đánh giá thực trạng mất đất ở bờ biển tỉnh Cà Mau cũng như những vấn đề cũng liên quan đến việc mất rừng ngập mặn và xâm nhập nước mặn vào kênh rạch trong khu vực. NGI đã kết luận rằng miền Nam VN có thể bị sụt lún nghiêm trọng trên bề mặt do hoạt động bơm nước ngầm liên tục. Vì diện tích đất ở khắp Cà Mau đều cao hơn mực nước biển 1 m, nên sụt lún có thể là nguyên nhân chính của tất cả mọi vấn đề ở Cà Mau, bao gồm cả việc mất đất liên tục, sự hư hại của rừng ngập mặn ven biển và sự xâm nhập mạnh của nước biển vào sông ngòi. Dữ liệu thu được từ vệ tinh cho thấy bờ biển bị thụt vào từ 100-1.400 m trong 20 năm qua. Đánh giá sơ bộ cho thấy sụt lún có thể đã lên đến từ 30 - 70 cm ở nhiều nơi. “Nếu không hạn chế hoặc dừng việc bơm nước ngầm thì toàn bộ tỉnh Cà Mau có thể biến mất hoàn toàn trong vài thập niên tới”, NGI khuyến cáo. Nếu không hạn chế hoặc dừng việc bơm nước ngầm thì toàn bộ tỉnh Cà Mau có thể biến mất hoàn toàn trong vài thập niên tới Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy Hiện Cà Mau có tổng cộng 109.096 giếng khoan, tổng lượng nước được bơm là 373.000 m[SUP]3[/SUP]/ngày. TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, cho biết nếu lấy diện tích tỉnh Cà Mau là 5.300 km[SUP]2[/SUP] thay vì 4.350 km[SUP]2[/SUP] thì tốc độ sụt lún là 1,56 - 2,3 cm/năm thay vì 1,9 - 2,8 cm/năm (theo cách tính của NGI). Nguyên nhân lún là do khai thác quá mức nước ngầm quanh các bãi giếng. Đáng lưu ý, số giếng khoan không phân bố đều trên toàn tỉnh mà tập trung vào một vài nơi ở đô thị. Do đó, khu vực này có thể xảy ra lún lớn hơn nhiều so với tốc độ sụt lún là 1,56 - 2,3 cm/năm. Theo đánh giá của NGI, sự lún, sụt đất do bơm nước ngầm là vấn đề đã, đang và sẽ diễn ra ở nhiều nơi tại Cà Mau cũng như các tỉnh lân cận trong khu vực ĐBSCL. Vấn đề lún nghiêm trọng nhất hiện xảy ra ở những nơi có đất sét mềm, dễ bị nén liên kết với tầng đất sâu hơn hoặc tầng sỏi... Từ sự sụt lún đang diễn ra, Cà Mau sẽ đối mặt với hậu quả như mất đất tự nhiên; xói mòn bờ biển tăng do bờ biển chìm; rừng ngập mặn suy giảm dẫn đến xói mòn mạnh hơn và dâng sóng khi có bão; tăng độ mặn của nước trong kênh rạch và sông; xâm nhập mặn vào tầng ngậm nước ngầm... NGI đã khuyến cáo Chính phủ cần có các hành động khắc phục, giảm thiểu tác hại trước khi quá muộn. NGI cũng đề xuất dừng tất cả các hoạt động bơm từ nguồn nước ngầm; đầu tư xây dựng nhà máy lọc nước và mạng lưới đường ống dẫn nước mới; xây dựng các tuyến đê xung quanh bờ biển... Trong giai đoạn 2 của dự án, NGI sẽ tiến hành lập bản đồ địa chất tỉnh Cà Mau, thực hiện chương trình giám sát lún, phân tích chi tiết hơn về sụt lún dựa trên dữ liệu mới, thu thập và phân tích dữ liệu mực nước biển và hiện trạng biển, lập mô hình các trường hợp sóng dâng khi có bão do có sự thay đổi… Nhiều công trình bị ngập TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL, cho biết: “Chúng tôi đã có chuyến đi khảo sát ở Cà Mau, cụ thể là 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Điều dễ nhận thấy là nhiều công trình xây dựng ở đây có dấu hiệu bị ngập. Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân ngập là do nước biển dâng, cũng có ý kiến là do đất bị lún. Tôi thì cho rằng do cả hai. Một thực tế là người dân ở đây sử dụng quá nhiều nước ngầm. Nhất là khi phong trào nuôi tôm bùng nổ, người dân cần nhiều nước hơn bằng cách khoan các giếng nước ngầm. Khi tầng nước ngầm bị sụt giảm, đất sẽ giảm đi bệ đỡ, hậu quả là đất sẽ bị lún xuống”. Người dân không nên quá lo lắng Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Báo cáo của NGI chỉ là báo cáo giai đoạn 1 sự lún sụt của Cà Mau để kiến nghị làm giai đoạn 2, trong giai đoạn 2 mới có nghiên cứu chính xác”. Ông Sử cho biết Sở NN-PTNT sẽ có báo cáo UBND tỉnh về những số liệu, khuyến cáo mà NGI nghiên cứu trong giai đoạn đầu này. “Người dân không nên quá lo lắng vì đây chỉ là một kịch bản cần phải tiếp tục nghiên cứu”, ông Sử nói. Theo TS Tuấn, không riêng gì vùng mũi Cà Mau, bán đảo Cà Mau mà cả ĐBSCL, một số nơi khác ở VN và nhiều nước khác trong khu vực cũng sụt lún. “Tôi có cảm giác rằng lục địa đang chìm dần, nhưng không đều. Tuy nhiên, vùng bán đảo Cà Mau lại chìm nhanh hơn. Vì vùng đất này mới hình thành do phù sa bồi lắng, đất chưa ổn định. Những năm sau này áp lực dân số tăng, nhu cầu sản xuất nhiều, công trình nhiều… làm tăng gia tải trên nền đất yếu, lại thêm nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức làm cho đất bị lún. Còn thật sự lún bao nhiêu thì đó chỉ là con số đang theo dõi. Để quan sát, đưa ra kết luận cụ thể tốc độ lún phải cần thời gian dài”, TS Tuấn nói. TS Lê Xuân Thuyên (Trường đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) và cộng sự cũng đang thực hiện nghiên cứu về biến đổi khí hậu và nước biển dâng bằng phương pháp khảo sát, quan trắc đánh giá từ cấp địa phương, các vấn đề cụ thể để khái quát lên tầm rộng hơn. Hiện, nhóm nghiên cứu có 4 trạm quan trắc ở ĐBSCL và Đông Nam bộ. “Kết quả ban đầu mà chúng tôi có được cho thấy có vấn đề về hiện tượng lún mặt đất”, TS Thuyên nói. Trong vòng 8 tháng (từ 6.2011 - 2.2012), mũi Cà Mau đã chìm 45 mm, Cần Giờ (TP.HCM) là 20 mm. Khó có đường lui nếu không tính trước Theo TS Lê Xuân Thuyên, nguyên nhân của lún do bản chất nền đất dưới châu thổ là khối bùn cát mềm nhão, luôn trong quá trình co nén, rắn lại và kéo theo là thể tích khối của nó cũng co rút lại, mà ở đây là hiện tượng bề mặt bị lún, xẹp xuống. Phù sa bồi hằng năm sẽ góp phần bổ sung thể tích bị co lại này. Mặt khác, phần thân rễ cây rừng cũng góp phần làm nền đất phồng lên hay ngược lại, việc bơm hút nước ngầm quá nhiều làm khối nền bị xẹp xuống. Tất cả các quá trình này diễn ra rất chậm, và diễn ra với tốc độ khác nhau bởi cấu tạo nền cũng rất khác nhau và tác động ngoại cảnh gây ra. “Cần quan sát nhiều năm mới xác định được tốc độ dịch chuyển mặt đất của từng khu vực. Cần phân biệt với lún cục bộ tại một công trình có gia tải lớn, như nhà, cầu đường, không phản ánh xu hướng chung của toàn khu vực nào đó”, TS Thuyên phân tích. Ông cho rằng, lún nền là quá trình biến dạng rất lâu dài kéo dài hàng trăm - hàng ngàn năm, trên quy mô rộng lớn, cả khu vực, tỉnh, cả đồng bằng, và hầu như không đảo ngược, nên tính chất của nó nghiêm trọng về diện quy mô và thời gian lâu dài. Vì vậy, cần phải có quan trắc. Tình trạng này diễn ra chậm nên lâu nay ít được lưu ý, nhưng quá trình biến dạng này tích lũy tới một thời điểm nào đó thì có thể gây ra biến cố rộng lớn, có tính hệ thống, khó có đường lui nếu như không được dự tính trước. Theo TS Tuấn, để khắc phục tình trạng sụt lún, nhiều nước trên thế giới như Hà Lan, Đức, Úc... đã sử dụng đến giải pháp “bổ cập nước ngầm”. Vào mùa lũ tiến hành bơm nén nước xuống tầng nước ngầm để cấp bù lượng nước bị hao hụt do khai thác quá mức. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ rất tốn kém. “Chúng ta phải có quy hoạch lâu dài để bảo vệ ĐBSCL. Trước mắt cần làm là phải chấm dứt tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm. Khi xây dựng công trình, cần phải khảo sát địa chất thật kỹ. Đối với vùng đất yếu không nên làm những công trình quá lớn, quá nặng. Phải phục hồi lại diện tích rừng ngập mặn đã bị mất. Cần thiết phải vận động không để các đập thủy điện hình thành quá nhiều ở thượng nguồn. Và một giải pháp cũng nên tính tới là các địa phương nhờ các nhà khoa học nghiên cứu khả năng bổ cập nước ngầm, để bù lại lượng nước bị mất đi”, TS Tuấn nói. Theo Gia Bách - Tiến Trình - Chí Nhân-TNO