Ai đi làm mà chẳng muốn tăng lương và thăng tiến. Không chỉ là vấn đề thu nhập, mà đó là điều kiện để bạn trang trải cho một cuộc sống chất lượng cao. Không chỉ là vị trí tốt hơn, mà còn là cơ hội để bạn thực hiện những mong muốn của mình. Và quan trọng hơn cả, việc được tăng lương và thăng tiến là bằng chứng cho thấy giá trị con người bạn đã thật sự tăng cao. Vậy, điều cốt lõi không phải là làm cách nào để tăng lương và thăng tiến, mà là làm cách nào để tăng được giá trị bản thân. Bạn nên nắm và vận dụng một qui luật quan trọng: thu nhập của bạn sẽ tăng theo giá trị mà bạn tạo ra. Nhiều người chúng ta vẫn lầm lẫn rằng, người có chuyên môn cao thì sẽ tạo ra được giá trị cao, để rồi ai nấy đều lao vào trau dồi chuyên môn mà bỏ qua rất nhiều yếu tố quan trọng và cần thiết khác. Thực tế cho thấy, giá trị được đo lường thông qua việc bạn thực hiện các kỹ năng mềm như trình bày, giao tiếp, nối kết, tự tin, quản lý thời gian, kỷ luật bản thân… ra sao; giá trị còn được biểu hiện qua thái độ của bạn đối với công việc và đối với mọi người xung quanh trong môi trường làm việc như thế nào. Một người dù có chuyên môn tốt đến mấy mà lúc nào cũng cau có và khó chịu, thì thử hỏi kết quả công việc của họ sẽ như thế nào, đó là chưa kể đến thái độ như thế sẽ tạo ra những tác động tiêu cực lên không khí và tinh thần làm việc của những người xung quanh. Hiểu đúng về giá trị bản thân thì phải thấy hết được hết các yếu tố cấu thành này: Giá trị bản thân = Giá trị bạn tạo ra x Thời gian cung cấp giá trị x Qui mô cung cấp giá trị Công thức này cho thấy, để nâng cao giá trị bản thân, bạn phải không ngừng trau dồi chuyên môn, liên tục rèn luyện những kỹ năng mềm, và phải biết được đâu là những công việc tạo ra giá trị để dành thời gian, dồn lực và tập trung vào đó. Giá trị bạn tạo ra: Giá trị không phải là cái bạn tự gán cho mình, mà là do người khác cảm nhận về bạn. Người ta cảm nhận giá trị của bạn qua 3 điều: những gì bạn làm được, những gì bạn giúp người khác làm được, và những gì bạn lan tỏa ra xung quanh. Thời gian cung cấp giá trị: Đừng lầm tưởng bất cứ việc gì bạn làm cũng tạo ra giá trị. Dù cho bạn có “cắm đầu cắm cổ” làm với tất cả mọi hăng say và nhiệt tình thì cũng chẳng “nghĩa lý” gì nếu đó không phải là công việc bạn cần làm, bạn phải làm và bạn được trả lương để làm. Khi đi làm, mỗi một vị trí đều được công ty mong đợi đóng góp đúng điều công ty cần. Nếu bạn được trả lương cho việc chăm sóc khách hàng của công ty, thì bạn chẳng bao giờ được ghi nhận khi bạn ra sức tìm kiếm khách hàng. Nếu bạn được kỳ vọng ở việc thiết kế những ấn phẩm độc đáo cho công ty, thì chẳng những bạn không có điểm nào cho việc tiếp cận khách hàng mà có khi bạn còn âm điểm bởi không tập trung vào chính công việc của mình. Bạn nên làm việc với cấp trên trực tiếp của mình để biết họ mong đợi điều gì nhất nơi bạn, rồi hãy dành thời gian để tập trung vào công việc giúp sinh giá trị đó. Khi bạn tập trung vào công việc sinh giá trị càng nhiều thì giá trị của bạn càng cao. Qui mô cung cấp giá trị: Một mình bạn, dù có “cày” hết sức thì đến một lúc nào đó bạn sẽ không còn sức lực hay thời gian để tăng thêm giá trị của mình được nữa. Nếu đã tập trung làm việc cực kỳ hiệu quả trong suốt 8 tiếng dành cho công việc rồi, hay cho dù bạn có dành luôn cả 24 tiếng để làm việc đi nữa thì cũng đến một giới hạn mà bạn không thể vượt qua để có thể tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Chìa khóa cho vấn đề này nằm ở việc tăng qui mô cung cấp giá trị. Thời gian và sức lực của một người thì giới hạn, nhưng của nhiều người thì vô hạn. Điều này có nghĩa là bạn phải tạo ra cho được những người khác có thể làm công việc giống như mình, xây dựng một hệ thống làm việc tạo ra kết quả giống mình nhưng với số lượng tăng lên gấp nhiều lần. Khi tạo ra được những người có thể thay thế mình thì bạn sẽ bước lên một vị trí cao hơn, và dĩ nhiên phần thưởng cho vị trí này sẽ xứng đáng hơn. Nếu bạn vận dụng đúng công thức này, giá trị của bạn sẽ tăng vô hạn. Và bạn sẽ càng thấy rõ qui luật: thu nhập tỉ lệ thuận với giá trị cung cấp của bản thân... Ts.L.T.Dương[Lụm lặt]
CƠM ÁO GẠO TIỀN VÀ SỰ LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP 1. Những câu chuyện thú vị, những con số biết nói? Với mỗi câu chuyện chúng tôi luôn đặt ra câu hỏi: Liệu đó có phải là công việc phù hợp với bạn không, bạn có định làm công việc này lâu dài không. Số đông lựa chọn giữa việc chấp nhận một công việc ít, thậm chí không có thu nhập và một công việc không ưa thích nhưng trang trải được cuộc sống. Chỉ có một số ít thực sự hài lòng với công việc hiện tại, cả về đam mê lẫn thu nhập. Cuối cùng chúng tôi hỏi mọi người: Nếu tiền không phải là vấn đề, nếu như một ngày tiền không còn giá trị thì bạn muốn một công việc như thế nào? (nhưng rất tiếc do một số lý do mà câu hỏi này còn bỏ ngỏ, nhưng tôi tin khi nhận được trả lời, chúng ta sẽ đều bị sốc) 2. Kiếm tiền hay cống hiến Trong khi viết những dòng này thì cùng lúc tôi đang làm cho mình một bản kế hoạch cuộc đời, một bản kế hoạch cho tất cả những gì tôi muốn đạt được trong 1 năm, 5 năm và thậm chí 20 năm nữa. Đương nhiên là có cả mục tiêu “kiếm tiền”. Nhưng tôi thay đổi tựa đề thành “cống hiến”. Hầu hết những lứa sinh viên mới ra trường như tôi đều có một niềm trăn trở đó là mình sẽ làm gì để trang trải cuộc sống đây khi không còn sự chu cấp của gia đình nữa hoặc vì lý do nào khác. Bất kể nơi nào kiếm được tiền thì mình sẽ đến đó… và có rất nhiều lý do để chúng ta lăn xả vào kiếm tiền mà quên rằng bản chất thực sự của việc kiếm tiền đó là kết quả của sự cống hiến. Bạn cho đi và bạn sẽ nhận lại, đó là điều tất yếu. Với tôi sự cống hiến không chỉ giúp mình trang trải cuộc sống mà quan trọng hơn nữa nó còn giúp tôi trưởng thành, giúp tôi học được nhiều điều hơn. Vậy còn bạn thì sao, bạn đang kiếm tiền hay cống hiến? 3. Hạnh phúc hay cái đích khác? Tính đến nay tôi đã đi hết được 1/3 cuộc đời, chặng đường đi được chưa được bao nhiêu, nhưng rất may mắn khi gặp được 3 người thầy đáng quý trọng. Người đầu tiên là bố mẹ tôi với bài học vỡ lòng: “Hạnh phúc là cái chúng ta luôn hướng đến, con trai à.” Người thầy thứ 2 đó là sư phụ mà 3 anh em chúng tôi bái sư, và cũng là một người tôi hết sức ngưỡng mộ, anh đã giúp tôi hiểu rằng hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà đến từ chính bên trong chúng ta. Người thầy cuối cùng đó là những cuốn sách. Tôi lớn lên với sách, ăn ngủ với sách, giác ngộ cũng nhờ sách. Và sau những điều đấy tôi học được rằng hạnh phúc mới là cái chúng ta hướng tới trong cuộc đời này chứ không phải sự dư dả vật chất hay bất kỳ thứ gì khác. Có một câu nói nổi tiếng mà tôi rất thích nghe đó là: “Không có tiền cạp đất mà ăn à.” Nghe đi nghe lại mới thấy càng chuẩn. Tiền là công cụ trung gian để đáp ứng những nhu cầu của con người, trong đó có nhu cầu tối thiểu nhất đó là sinh tồn, ăn mặc, ở. Tiền cũng là công cụ để giúp mang lại hạnh phúc theo một cách nào đó. Tiền rất quan trọng nhưng đáng tiếc không phải là tất cả. Chúng ta đang bị cuốn vào những cuộc chạy đua, chúng ta đang vô tình trở thành những người “làm tiền”. Tôi mới chỉ nghe những bài báo tan nát gia đình, hay thảm án đêm khuya vì tiền chứ chưa từng nghe nói rằng có bất kỳ vụ án hay sự vụ nghiêm trọng nào do hung thủ là “hạnh phúc” cả. 4. Chỉ cần đam mê liệu bạn có trang trải được cuộc sống Có nhưng chưa đủ. Thế kỷ 21 đã chứng minh cho chúng ta thấy tất cả những tỷ phú triệu phú trên thế giới đều có chung một xuất phát điểm đó là đam mê. Nhưng chỉ đam mê thôi thì chưa đủ, ngoài ra còn kiên trì, sáng tạo, thói quen tốt,.. và chỉ khi những yếu tố đó cùng kết hợp mới tạo nên những cuộc đời thành công những thương hiệu triệu đô… Nhưng bạn thân mến, chúng ta đang nói về câu chuyện trang trải cuộc sống, chứ không phải về một gia tài triệu đô hay tỷ đô. Bạn có biết nhưng câu chuyện ở trên tại sao tôi lại sắp xếp như vậy không. Từ câu chuyện một người chưa biết rõ đam mê của mình, tiếp đến là chuyện về anh chàng đã khám phá ra đam mê, sau đó là một CEO tương lai đang trên đường học hỏi để từ đam mê trở thành một nghề nghiệp, và cuối cùng là câu chuyện của lập trình viên người đã phát triển đam mê thành một nghề nghiệp và kiếm tiền từ nó. Những câu chuyện đó đã cho chúng ta thấy rằng để phát triển từ đam mê đến một nghề nghiệp hái ra tiền đó là một quá trình tích lũy không ngừng. Cũng giống như khi bạn chăm sóc một vườn cây, bạn luôn mong muốn một ngày chính tay bạn sẽ hái những quả chín mọng từ vườn cây đó nhưng nếu bạn không gieo hạt, không chăm sóc cho nó thì lấy quả ở đâu ra. Trong cuộc sống cũng vậy, có những người đang gieo hạt, và có những người đã hái quả rồi đấy. Còn bạn thì sao? Hãy nghĩ kỹ đi nào, lựa chọn một công việc là đam mê của bạn hay một công việc bạn không thích nhưng đủ trang trải cuộc sống. Tôi đã từng thấy một anh chàng ca sĩ sáng chiều đến văn phòng đối mặt với công việc mình không thích để trang trải cuộc sống và cuối tuần hát tại các phòng trà chỉ để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Và cuối cùng khi cảm thấy không còn thích hợp với công việc văn phòng, anh đã quyết đi theo con đường nghệ thuật. Bạn có thể làm theo chàng ca sĩ này tất nhiên rồi. Nhưng không sớm thì muộn bạn cũng sẽ quay trở lại với chính đam mê của mình! Vậy tại sao lại không theo đuổi nó từ đầu? Viết miên man một hồi thì gà đã gáy rồi, chợt nhìn lại bản thân mình,… cảm thấy những gì mình đang làm thực sự có ý nghĩa, và thấy hạnh phúc… như vậy là đủ rồi. Trích từ Alpha Book
mình đang bị chơ vơ trên con đường đi về phía trước mọi thứ đều mù mịt ko rõ ràng ngay đến cái mục tiêu giờ mình cũng quên luôn rồi X(
Lý thuyết thì là vậy nhưng giữa cuộc sống đầy bon chen và xô bồ này liệu mấy ai có thể làm được như những lời khuyên trên??? Đời người là hữu hạn, nên cứ hãy vui khi mình đang có 1 công việc, chăm chỉ làm tốt nhất dù đó có phải là công việc mình yêu thích hay không, khi có 1 cuộc sống ổn định mới có thể làm nền cho những điều khác được.