“Năm thắng lợi toàn diện của ngành dầu khí Việt Nam”

Thảo luận trong 'Tin tức Thời sự - News' bắt đầu bởi NoName, 23/1/14.

  1. NoName

    NoName Member

    Tham gia ngày:
    20/7/12
    Bài viết:
    637
    Đã được thích:
    19
    Điểm thành tích:
    18
    Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2013, đặc biệt là đã đưa bảy mỏ vào khai thác gồm: Hải Sư Trắng, Hải Sư Đen, Thỏ Trắng, giếng Mộc Tinh 1, Sư Tử Vàng Đông Bắc, West Desaru – lô PM 304 ở Ma-lai-xi-a và mỏ 67 ở Pê-ru. Phóng viên báo Nhân Dân trò chuyện với Tiến sĩ Phùng Đình Thực – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

    Phóng viên: Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, PVN đã về đích trước kế hoạch nhiều chỉ tiêu. Xin đồng chí cho biết những chỉ tiêu quan trọng mà ngành Dầu khí đạt được?

    Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực Đồng chí Phùng Đình Thực: Hết tháng 11/2013, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2013, nhiều chỉ tiêu đã về đích trước so với kế hoạch năm 2013. Tôi xin nêu một số chỉ tiêu chủ yếu như: Sản xuất xăng dầu các loại về đích trước 62 ngày, Sản xuất điện về đích trước 43 ngày, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn về đích trước 50 ngày, Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn về đích trước 52 ngày, Lợi nhuận sau thuế hợp nhất về đích trước 53 ngày… Nếu tính bình quân mỗi ngày, PVN tạo ra doanh thu 2.000 tỷ đồng, mới thấy hết ý nghĩa của việc về đích sớm hàng chục ngày tôi đã nêu ở trên.

    Phóng viên: Thưa đồng chí, với cốt lõi và ngành công nghiệp dầu khí, sản xuất ra dầu và các phụ phẩm chế biến từ dầu phục vụ nền kinh tế quốc dân, đồng chí có thể cho biết ngành công nghiệp dầu khí đã đạt được những kết quả cụ thể gì trong năm 2013?

    Đồng chí Phùng Đình Thực: Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, PVN đã có những bước đi phù hợp, chắc chắn để gia tăng sản lượng dầu và khí. Đến nay, ngoài việc thăm dò khai thác ở trong nước, PVN còn hợp tác, mua mỏ ở nước ngoài.Do đó, đã gia tăng trữ lượng dầu khí: Đạt 35-40 triệu tấn quy dầu. Về khai thác dầu cả năm đạt 16,60 triệu tấn, vượt 600 nghìn tấn so với kế hoạch. Khai thác khí cả năm đạt 9,62 tỷ m[SUP]3[/SUP], vượt 0,42 m[SUP]3[/SUP] so với kế hoạch. Sản xuất xăng dầu các loại, năm qua đạt 6,48 triệu tấn, vượt 20,2% so với kế hoạch được giao, tương đương vượt 1,09 triệu tấn. Sản xuất điện: Cả năm đạt 16,10 tỷ kWh, vượt 15,9% so với ké hoạch được giao, tương đương vượt 2,25 tỷ kWh. Sản xuất đạm: Cả năm đật 1,593 triệu tấn, vượt 73 nghìn tấn so với kế hoạch cả năm. Như vậy là các chỉ tiêu của ngành công nghiệp dầu khí đều vượt mức kế hoạch đã đề ra. Nhờ vậy tổng doanh thu toàn Tập đoàn đã đạt 758 nghìn tỷ đồng, vượt 17,2% kế hoạch được giao, tương đương vượt 11,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,3 tỷ USD). Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn: 12 tháng đạt 194,2 nghìn tỷ đồng, vượt 31% so với kế hoạch năm, tương đương 45,7 nghìn tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Từ những kết quả ấn tượng trên, có thể khẳng định, năm 2013 là năm thắng lợi toàn diện vượt mức của ngành dầu khí Việt Nam.

    Phóng viên: Có được kết quả toàn diện và vượt mức của năm 2013, đồng chí cho biết, nguyên nhân dẫn đến những thành công ấy là gì?

    Đồng chí Phùng Đình Thực: Nguyên nhân bắt nguồn từ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của các Bộ, Ban, ngành Trung ương; là sự đoàn kết quyết tâm của 50 nghìn cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí. Là lời nói đi đôi với việc làm và làm việc có hiệu quả cao, mà chúng tôi gọi là “Văn hóa Dầu khí” tạo nên những giá trị vững bền. Thứ hai là sự đồng cam cộng khổ, góp sức của nhân dân ở những dự án mà PVN triển khai, đặc biệt là ở dự án Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Người dân các xã thuộc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã sẵn sàng di chuyển đến nơi ở mới, nhường đất cho dự án, hy sinh quyền lợi cá nhân cho lợi ích đất nước. Nếu không có lòng dân thì không có dự án vĩ đại, có tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (lớn nhất) được khởi động, mang lại niềm hy vọng lớn lao cho khu vực Bắc miền Trung, bởi chỉ sau 3 năm xây dựng, sẽ thu hút khoảng 10 nghìn lao động, không chỉ sản xuất khoảng 10 triệu tấn xăng, dầu/năm mà còn đóng góp cho ngân sách địa phương và Trung ương khoảng 60 nghìn tỷ đồng/năm. Khi Nghi Sơn đã thu hút được nguồn đầu tư FDI lớn như vậy thì cũng là tiền đề để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn”.

    Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.
    Tiến Phú
    thực hiện (Theo Nhân Dân số báo Xuân Giáp Ngọ 2014)
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/1/14

Chia sẻ trang này