“Cần chú trọng đầu tư chế tạo giàn khoan di động”

Thảo luận trong 'Jackup Rig, FPSO, Semi – Submersible Platform' bắt đầu bởi NoName, 24/9/13.

  1. NoName

    NoName Member

    Tham gia ngày:
    20/7/12
    Bài viết:
    637
    Đã được thích:
    19
    Điểm thành tích:
    18
    (PetroTimes) - Gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực xây lắp các công trình dầu khí trên biển, điều trăn trở của PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng là làm sao để lĩnh vực thiết kế, chế tạo, xây lắp, bảo dưỡng và sửa chữa giàn khoan dầu khí của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với bề dày kinh nghiệm của mình, PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng cho rằng việc đầu tư xây dựng các công trình biển, đặc biệt là các giàn khoan dầu khí di động có tiềm năng rất lớn. Phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có dịp trao đổi cùng ông.

    PV: Thưa ông, một đời gắn bó với ngành Dầu khí Việt Nam, hẳn là ông chưa quên ngày khởi đầu của duyên nghiệp đó?

    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng: Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Lêningrad ngành chế tạo máy năm 1973, tôi được phân công về giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 1980 tôi được cử đi nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Bách khoa Lêningrad và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật (nay gọi là tiến sĩ) ngành cơ khí với luận văn: “Động lực học trong lắp ráp giàn khoan”. Khi về nước tôi được Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí là ông Phan Tử Quang trực tiếp nhận về làm việc tại Vụ Xây dựng cơ bản (thuộc Tổng cục Dầu khí) và giao cho tôi trực tiếp nghiên cứu Đề án xây dựng giàn khoan dầu khí tại khu vực Vịnh Bắc Bộ phù hợp với điều kiện trang thiết bị hiện có của Việt Nam lúc bấy giờ. Và đây cũng là cái duyên gắn bó tôi với ngành Dầu khí từ đó đến nay.
    [​IMG]
    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng

    PV: Điều gì ông thấy đáng nhớ nhất về những đóng góp của mình với lĩnh vực xây dựng công trình dầu khí trên biển, thưa ông?

    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng: Tôi nhớ nhất là giai đoạn cùng với các đồng nghiệp ở Vietsovpetro (VSP) tham gia nghiên cứu tính toán thay đổi công nghệ xây lắp giàn khoan cố định (MSP) và đã ứng dụng thành công vào công tác xây lắp các giàn khoan của VSP ở mỏ Bạch Hổ trong giai đoạn 1986-1995.
    Thời điểm đó, Tổng giám đốc VSP tin tưởng, chỉ định tôi làm tổng chỉ huy xây dựng các công trình biển của VSP. Chúng tôi đã triển khai đề tài nghiên cứu thay đổi công nghệ lắp ráp giàn khoan cố định của VSP từ khâu hạ thủy, đánh chìm chân đế, đóng cọc các chân đế giàn khoan xuống đáy biển với độ sâu 50m kể từ mặt đáy mà không cần phải có thợ lặn cắt ống và hàn nối tiếp cũng như tổ hợp các dầm chịu lực ở trên bờ thành 3 khối và tổ hợp các “Blốc - Mô đun” thành các cụm ở trên bờ trong thời gian biển động để đến lúc điều khiển sóng biển cho phép đưa các cụm đó ra biển lắp ráp. Hàng trăm đoạn ống công nghệ, hàng triệu mét cáp điện, cáp điều khiển… giữa các “Blốc - Mô đun” được kết nối với nhau (công việc này nếu làm ở ngoài biển, thời gian và chi phí tăng gấp 10-20 lần). Tất nhiên chúng tôi phải tính toán hết sức thận trọng, tỉ mỉ để gia cố, tăng cường độ cứng vững của kết cấu các “Blốc - Mô đun” và tổ hợp.
    Sau đó, mỗi cụm phải thử nghiệm trên bờ để xem xét sức chịu tải của các kết cấu thép, của các tai móc cáp, sự biến dạng của chi tiết chịu lực, đồng thời nghiên cứu, tính toán, gia cường những chi tiết chưa đạt yêu cầu. Các cụm “Blốc - Mô đun” được tổ hợp trên bờ có tải trọng trên dưới 500 tấn/cụm và tất cả các hệ thống đường ống công nghệ, hệ thống điện, hệ thống điều khiển cùng các hệ thống liên quan tới sự hoạt động của một giàn khoan thăm dò và khai thác đều được tổ hợp với nhau thành một hệ thống thống nhất hoàn chỉnh cho từng cụm.
    Bằng công nghệ mới này, chúng tôi đã giảm thời gian lắp ráp một giàn khoan cố định ở mỏ Bạch Hổ từ 36 tháng theo thiết kế giảm xuống còn 14 tháng đối với giàn MSP 3 (dùng làm giàn công nghệ trung tâm), giảm xuống còn 13 tháng đối với giàn MSP 4, 12 tháng đối với giàn MSP 5 và các giàn MSP 6,7,8,9,10. Riêng MSP ở mỏ Rồng chỉ còn 10-11 tháng.

    PV: Là một trong những người tiên phong tham gia thiết kế xây dựng các công trình biển, các giàn khoan trên vùng biển Việt Nam, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm của mình về một trong những công trình biển mà ông giữ lại ấn tượng sâu sắc nhất?

    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng: Gần 30 năm gắn bó với ngành xây dựng công trình biển, các giàn khoan, các nhà giàn DK của Bộ Quốc phòng, các công trình dầu khí Việt Nam… làm sao có thể nói hết những kỷ niệm của mình về những công trình mà mình tham gia xây dựng, bởi công trình nào cũng có những điều không bao giờ quên, mỗi công trình có một đặc thù, một yêu cầu kỹ thuật, một công nghệ xây lắp, một điều kiện và môi trường thi công khác nhau. Song công trình để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất chính là lắp ráp trạm rót dầu không bến - UBN (thuê của Pháp) ở mỏ Bạch Hổ vào năm 1991 để thay thế tàu chứa dầu UBN - Chi Lăng được mang đi sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ tại Singapore. Thời gian này VSP chỉ có duy nhất một UBN để chứa dầu từ các giàn khoan cố định ở mỏ Bạch Hổ. Công nghệ tháo, lắp tàu UBN chỉ thực hiện được trong điều kiện thời tiết (sóng, gió dòng chảy) cho phép tàu cẩu nội của VSP làm việc được ở trên biển. Song khi UBN - Chi Lăng đã được tháo ra khỏi các xích neo cố định, nhường chỗ cho tàu UBN thuê của Pháp lắp vào vị trí cũ thì sóng gió nổi lên, các phương tiện nổi đều không hoạt động được, dầu khai thác từ các giàn không có chỗ để chứa, Nha khí tượng thủy văn dự báo thời tiết xấu trên mỏ Bạch Hổ còn kéo dài trong nhiều ngày nữa. Trước tình hình đó chúng tôi đã nghiên cứu, tính toán đưa ra công nghệ lắp ráp UBN kết hợp giữa thủ công và cơ giới phù hợp với điều kiện phương tiện, thiết bị hiện có lúc bấy giờ. Với phương án thi công khá táo bạo nhưng hợp lý, chúng tôi đã thay thế thành công tàu chứa dầu - UBN trước sự khâm phục của các chuyên gia hãng cho thuê tàu cũng như các chuyên gia Liên Xô (trước đây) của VSP.

    PV:
    Được biết sau khi nghỉ hưu ông được mời về làm chuyên gia với chức vụ Phó ban Thường trực Ban Quản lý Dự án Khoa học & Công nghệ (KH&CN) của Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) và tham gia ngay từ đầu vào công tác quản lý Dự án KH&CN “nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”. Ông nhận xét như thế nào về vai trò của việc phát triển KH&CN tại PV Shipyard?

    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng: Tuy PV Shipyard mới thành lập vào năm 2007, lại lần đầu chủ trì thực hiện một dự án KH&CN cấp Nhà nước gồm 11 đề tài khoa học về thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng đầu tiên ở Việt Nam nhưng với đội ngũ cán bộ kỹ sư trẻ đầy tâm huyết, say mê khoa học cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo, dự án KH&CN đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá cao, trong đó có 1 đề tài đạt xuất sắc, 9 đề tài đạt loại khá.
    Nhiều vấn đề KH&CN về giàn khoan tự nâng đã được đội ngũ cán bộ, kỹ sư của PVShipyard giải quyết và làm chủ. Dự án cũng đã góp phần đào tạo được một đội ngũ kỹ sư chuyên sâu về thiết kế chi tiết, thi công giàn khoan dầu khí. Phải nói thêm rằng, với PV Shipyard việc phát triển KH&CN là một trong những định hướng chiến lược hàng đầu để giải quyết những vấn đề KH&CN mà thực tiễn đang đặt ra đối với sự phát triển của ngành chế tạo giàn khoan dầu khí Việt Nam.
    PV Shipyard đã và đang tập trung vào phát triển nguồn lực KH&CN, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm mục tiêu làm chủ hoàn toàn công tác thiết kế, chế tạo, sửa chửa, bảo dưỡng và hoán cải giàn khoan dầu khí di động, tạo tiền đề phát triển mẫu giàn khoan dầu khí di động mang thương hiệu Việt Nam tiến tới tham gia thị trường xuất khẩu trong khu vực và trên thế giới.

    PV:
    Những ứng dụng KH&CN nào được đưa vào quá trình chế tạo thành công giàn khoan Tam Đảo 03 và hiệu quả của những ứng dụng đó, thưa ông?

    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng: Kết quả nghiên cứu của dự án KH&CN đã được áp dụng để chế tạo thành công giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 trước thời hạn 2 tháng đạt chất lượng tốt và đã được cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ (ABS) cấp chứng chỉ về chất lượng, được Chủ đầu tư - Liên doanh Vietsovpetro đưa vào sử dụng, khai thác ổn định từ tháng 6/2012 đến nay.
    Về thiết kế và ứng dụng, dự án KH&CN đã thiết kế và ứng dụng thành công cho hầu hết các hạng mục của giàn khoan Tam Đảo 03 như: Thiết kế bệ móng cho các máy phát điện chính, máy bơm dung dịch khoan, dầm cầu trục cho hệ thống tời…; Thiết kế chế tạo và lắp dựng thân, chân giàn khoan; thiết kế thi công cụm tháp khoan; Hoàn thiện công tác thiết kế, thi công, lắp đặt, chạy thử các thiết bị, hệ thống điện, hệ thống điều khiển trên giàn khoan; Thực hiện mô hình 3D các chi tiết và toàn bộ giàn khoan, hỗ trợ hiệu quả cho công tác thiết kế, thi công, quản lý khối lượng vật tư…; Ứng dụng phần mềm kiểm soát quá trình hạ thủy giàn khoan…
    [​IMG]
    Giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 03 đánh dấu bước đột phá về KH&CN của PV Shipyard, đặt nền móng hình thành và xây dựng ngành công nghiệp về thiết kế, chế tạo giàn khoan của Việt Nam
    Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đóng mới giàn khoan Tam Đảo 03, các kỹ sư tham gia dự án KH&CN đã nghiên cứu, tính toán cải tiến hệ thống thiết bị dung dịch khoan (so với thiết kế cơ sở) được nhà thầu thiết kế cơ sở và chủ đầu tư chấp thuận, giúp tiết giảm một cụm máy tách bùn kèm bơm ly tâm và phụ kiện đi kèm, từ đó đơn giản hóa hệ thống xử lý và tiết kiệm không gian bố trí hệ thống. Đồng thời, đã trực tiếp nghiên cứu, tính toán thiết kế cơ sở hệ thống điện của giàn khoan tự nâng để có dữ liệu thiết kế chi tiết, làm hồ sơ mời thầu các thiết bị chính và triển khai dự án kịp tiến độ theo yêu cầu, trực tiếp nghiên cứu và đề xuất các giải pháp xử lý sự cố trong quá trình hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước thành công.
    Kết quả dự án KH&CN đã góp phần vào mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa qua các dự án của PV Shipyard nói riêng và ngành chế tạo giàn khoan dầu khí của Việt Nam nói chung (dự án đầu tiên đạt tỷ lệ nội địa hóa 34,6%, dự án tiếp theo dự kiến tỷ lệ nội địa hóa trên 51%, giảm chi phí ít nhất khoảng 7 triệu USD, giá trị công việc thực hiện trong nước ít nhất khoảng 79 triệu USD, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 7.500 lao động trong 2 năm). Điều này tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hỗ trợ cho ngành Dầu khí.

    PV: Ông đánh giá ra sao về nền tảng công nghệ và đội ngũ nhân lực chế tạo giàn khoan của PV Shipyard hiện nay, thưa ông?

    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng: Có thể khẳng định đội ngũ cán bộ, kỹ sư PVShipyard hiện đã nắm vững, làm chủ được phương pháp, cách thức tiếp cận tính toán cốt lõi của thiết kế chi tiết giàn khoan tự nâng, các quy trình, phương pháp thi công chế tạo, lắp ráp, tổ hợp các kết cấu, hệ thống đường ống, hệ thống điện và điều khiển… của giàn khoan. Bên cạnh đó, PV Shipyarrd đã đào tạo, xây dựng được đội ngũ kỹ sư thiết kế, giám sát có chuyên môn, kĩ thuật vững vàng đủ khả năng đảm trách được toàn bộ các khâu tính toán thiết kế chi tiết, công nghệ thi công giàn khoan tự nâng.
    Với nền tảng kiến thức, kinh nghiệm và cơ sở vật chất có được từ kết quả của dự án KH&CN, các kỹ sư của PV Shipyard hoàn toàn có thể tiếp cận, triển khai nghiên cứu các loại giàn khoan di động khác như tàu khoan, giàn nửa nổi nửa chìm, xà lan tiếp trợ khoan… góp phần tạo sự tự chủ về KH&CN của ngành công nghiệp chế tạo giàn khoan dầu khí của Việt Nam.
    Thành công của dự án KH&CN đã đặt nền móng hình thành và xây dựng ngành công nghiệp về thiết kế, chế tạo giàn khoan của Việt Nam. Dự án này đã tạo bước đột phá quan trọng đối với ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao năng lực của ngành cơ khí Việt Nam trong việc thiết kế, chế tạo các loại thiết bị phức tạp và công nghệ cao.

    PV: Để thế hệ trẻ của lĩnh vực xây dựng công trình dầu khí trên biển có được niềm đam mê sáng tạo trong công việc, theo ông họ phải làm gì?

    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng:
    Tôi nghĩ làm nghề gì cũng vậy, không riêng gì lĩnh vực xây dựng công trình dầu khí trên biển, muốn thành công, ngoài trí thức, đạo đức nghề nghiệp thì phải có lòng say mê nghề nghiệp, luôn nuôi ước mơ hoài bão vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao về khoa học và công nghệ đối với ngành mình đang phục vụ, luôn tìm tòi học hỏi, tiếp nhận kinh nghiêm của các bậc đàn anh đi trước, của các chuyên gia trong và ngoài nước và đặc biệt đừng bao giờ đặt nặng vấn đề quyền lợi cá nhân trong sự nghiệp của mình.

    PV: Điều gì còn khiến ông trăn trở để công nghệ chế tạo giàn khoan của Việt Nam ngày càng phát triển, sánh ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới?

    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng: Gần 30 năm làm nghề xây lắp các công trình dầu khí, tôi luôn mơ ước là xây dựng được ngành thiết kế, chế tạo, xây lắp, bảo dưỡng và sửa chữa giàn khoan dầu khí ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Lĩnh vực chế tạo giàn khoan dầu khí là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam, chịu sự cạnh tranh cao với các nhà thầu lớn trong khu vực và thế giới. Để phát triển nhanh và bền vững một lĩnh vực vừa mới vừa khó, ngoài việc phải nhanh chóng nắm bắt được những vấn đề cốt lõi của công tác thiết kế và công nghệ chế tạo giàn khoan dầu khí, chúng ta phải có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phải có đủ trung tâm nghiên cứu - thực nghiệm và phải có cơ sở hạ tầng đồng bộ với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho công tác nghiên cứu thiết kế chế tạo các loại giàn khoan dầu khí Việt Nam. Để làm được điều đó, một doanh nghiệp không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách, về cơ chế, đặc biệt là chính sách về miễn giảm thuế và thu xếp tài chính. Đồng thời cũng rất cần sự hợp tác cùng chí hướng của các chủ đầu tư trong nước.

    PV: Theo ông thì triển vọng, tiềm năng của ngành xây dựng công trình biển trong thời gian tới sẽ như thế nào, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng các giàn khoan ngoài khơi?

    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng: Xu hướng chung của các công ty dầu khí trên thế giới những năm tiếp theo là sử dụng giàn khoan di động để đẩy mạnh thăm dò ngoài khơi, tại các vùng biển mới, xa bờ và sâu. Các công ty khoan hiện đang tích cực xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng việc hiện đại hóa giàn khoan của mình. Họ mua, đóng mới thêm các giàn khoan di động có khả năng hoạt động ở vùng nước sâu hơn, có tính năng kỹ thuật và thông số vận hành cao hơn, có thể hoạt động ở những khu vực môi trường khắc nghiệt, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng cao về an toàn và môi trường của các nước sở tại.
    Với Chiến lược phát triển ngành cơ khí chế tạo trong nước của Đảng, Chính phủ và để thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhu cầu về giàn khoan dầu khí di động trong giai đoạn 2012-2020 dự báo sẽ cần thêm khoảng 9-13 giàn khoan tự nâng và 1-2 giàn bán chìm. Hiện tại, năng lực sản xuất chế tạo trong nước mới chỉ đáp ứng một phần rất ít của nhu cầu này. Giá trị đầu tư cho một dự án giàn khoan dầu khí di động hiện nay ước tính từ 250 triệu USD tới 1 tỉ USD/giàn, với lực lượng nhân công tham gia đến hơn 3.000 người/dự án chế tạo. Việc tự lực thiết kế, đóng mới được các loại giàn khoan dầu khí di động ở trong nước; đồng thời hướng tới kết hợp đảm trách các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, hoán cải và phát triển các giàn khoan phục vụ cho các công ty nước ngoài hoạt động trong thềm lục địa Việt Nam, góp phần phục vụ an ninh quốc phòng bảo vệ tổ quốc sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, có thể tiết kiệm, mang lại doanh thu cho đất nước hàng trăm triệu USD mỗi năm; đồng thời là hướng chiến lược hết sức quan trọng có ý nghĩa về an ninh quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên vùng Biển Đông. Do vậy, triển vọng, tiềm năng của ngành xây dựng công trình biển, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng các giàn khoan dầu khí di động ở ngoài khơi là rất to lớn.

    PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!


    PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng nguyên là cán bộ Vụ Xây dựng cơ bản (Tổng cục Dầu khí) vào năm 1984. Từ năm 1985 đến 1995 là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp công trình biển thuộc Vietsovpetro. Từ 1995 đến khi về nghỉ hưu là Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp xây lắp Dầu khí, sau đó đổi tên thành Công ty Thiết kế và Xây lắp Dầu khí (tiền thân của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC).

    Thế Vinh (thực hiện)
     
    Last edited by a moderator: 17/11/15
  2. BigCrab

    BigCrab Super Moderators Thành viên BQT

    Tham gia ngày:
    14/11/12
    Bài viết:
    440
    Đã được thích:
    21
    Điểm thành tích:
    18
    Đọc bài phỏng vấn thấy thích nhất là chỗ Chú Nhưng nhắc đến kỷ niệm tháo lắp УБН, một công việc thú vị, vất vả, nguy hiểm, chịu nhiều áp lực nhưng sau đó thì ít ai biết đến. Cháu đã tốn khá nhiều thời gian tâm trí để làm việc với УБН và đã từng buồn vì cho rằng mình đã phí thời gian nhưng nghe Chú nhắc đến cũng thấy an ủi phần nào. Còn vụ xây dựng Jackup thì đất nước ta còn nghèo, theo cháu nghĩ Chú Nhưng nên tư vấn, cố vấn cho thế hệ trẻ làm sao cho giá thành em nó giảm xuống so với thế giới chứ như bây giờ thì may ra chỉ có Con bò sữa VSP mua nổi thôi Chú ạ. Chúc chú sức khỏe để cùng PV Shipyard tiếp tục cho ra đời những giàn Jackup tốt, hoạt động ở vùng nước sâu hơn và giá cả hợp lý mà cụ thể sắp tới là Tam Đảo 05.

    @
    Noname: Nhờ bác Noname chuyển lời tới Chú Nhưng giúp em.
     
    Last edited by a moderator: 16/11/15

Chia sẻ trang này