Lịch sử phát triển ngành Dầu khí ở Việt nam

Thảo luận trong 'Tìm hiểu về Ngành' bắt đầu bởi admin, 27/9/12.

  1. admin

    admin Administrator

    Tham gia ngày:
    12/5/12
    Bài viết:
    916
    Đã được thích:
    28
    Điểm thành tích:
    28
    Cách mạng tháng Tám thành công đã đưa Việt Nam trở thành một nước độc lập. Ngành địa chất và khai thác mỏ cũng nhanh chóng được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tổ chức lại hoạt động. Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực Dầu khí, giai đoạn từ 1945 đến 1954 chưa có nhiều nghiên cứu.
    Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng 1954, với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa đặc biệt là Liên Xô, một khối lượng to lớn các công trình khảo sát, tìm kiếm thăm dò địa chất, khoáng sản trong đó có dầu khí đã được hoàn thành. Trong chuyến thăm Liên Xô năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ ước muốn “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaizan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Ba Cu”.
    Năm 1961, sau 2 năm khảo sát trên 11 tuyến với 25.000km lộ trình, công trình tổng hợp báo cáo về địa chất và triển vọng dầu khí đầu tiên ở Việt Nam đã được hoàn thành.
    Ngày 27/11/1961, Đoàn Địa chất 36 trực thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại Việt Nam. Hoạt động của đoàn Địa chất 36 ngày càng lớn cho nên ngày 9/10/1969 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 203/CP thành lập Liên đoàn Địa chất 36, có nhiệm vụ xây dựng, quy hoạch, kế hoạch nghiên cứu tìm kiếm và thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở trong nước. Trước đó, với tiền thân là Đoàn Địa chất 36, các hoạt động thăm dò địa chất đã đạt được một số thành tựu đáng kể, trong đó có việc tiến hành thăm dò địa chấn và khoan thử nghiệm tại miền Bắc. Một số nghiên cứu chuyên ngành khác về thạch học, trầm tích, cổ sinh,... cũng đã được triển khai. Quan điểm về triển vọng dầu khí ở miền võng Hà Nội tăng dần về phía biển đã được hình thành.
    Năm 1975, ngay sau ngày thống nhất hai miền Nam Bắc, ngày 3/9/1975 đã đánh dấu một bước phát triển mới của ngành Dầu khí - Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập trên cơ sở Liên đoàn địa chất 36 và một bộ phận thuộc Tổng cục Hoá chất. Một năm sau ngày thành lập, ngày 25/7/1976, ngành Dầu khí đã phát hiện dòng khí thiên nhiên đầu tiên tại giếng khoan số 61 ở xã Đông Cơ - huyện Tiền Hải - Thái Bình.
    Trong giai đoạn từ 1977-1986, nhiều hoạt động nghiên cứu thăm dò đã được tiến hành với các đối tác của Liên Xô và Châu Âu trong lĩnh vực dầu mỏ.
    Lễ ký hiệp định hợp tác Việt – Xô về thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam (3/7/1980)
    Sau 5 năm kể từ khi phát hiện khí, dòng khí công nghiệp ở mỏ khí Tiền Hải đã được khai thác để đưa vào phục vụ cho phát điện và công nghiệp địa phương tỉnh Thái Bình. Ngày 19/06/1981, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) được thành lập.
    Những nghiên cứu và khảo sát tìm kiếm vào tháng 5/1984 đã cho thấy có thể có khả năng khai thác dầu thương mại trên các cấu tạo Bạch Hổ, Rồng. Ngày 6/11/1984 hạ thuỷ chân đế giàn khoan dầu khí đầu tiên của Việt Nam (MSP-1) tại mỏ Bạch Hổ và ngày 26/6/1986 đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí Việt Nam khi Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô đã khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ từ giàn MSP-1 và đã có tên trong danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới, khẳng định một tương lai phát triển đầy hứa hẹn của cho ngành công nghiệp dầu khí đất nước.
    Tàu khoan chuẩn bị cho công tác khoan thăm dò giếng khoan đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ
    Kể từ ngày 26/6/1986 đến hết tháng 10/2008, ngành Dầu khí đã khai thác được trên 280 triệu tấn dầu thô và trên 45 tỷ mét khối khí, mang lại doanh thu gần 60 tỉ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 36 tỷ USD, tạo dựng được nguồn vốn chủ sở hữu trên 100 nghìn tỷ đồng.
    Tháng 4/1990 - Tổng cục Dầu khí Việt Nam được sáp nhập vào Bộ Công nghiệp nặng.
    Tháng 6/1990 - Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Vietnam Oil & Gas Corporation – Petrovietnam) được tổ chức lại trên cơ sở các đơn vị cũ của Tổng cục Dầu khí Việt Nam.
    Tháng 5/1992 - Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tách khỏi Bộ Công nghiệp nặng và trực thuộc Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, trở thành Tổng công ty Dầu khí quốc gia với tên giao dịch quốc tế là Petrovietnam.
    Năm 1993, Luật Dầu khí được ban hành. Cũng trong năm này Petrovietnam bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống thu gom và vận chuyển khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào đất liền phục vụ trước tiên cho Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa - Vũng Tàu và sau này cho Phú Mỹ.
    Ngày 29/5/1995, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam quyết định thành lập Tổng Công ty Nhà nước với tên giao dịch quốc tế là Petrovietnam.
    Năm 2001 cột mốc xuất khẩu 100 triệu tấn dầu thô.
    Ngày 28/11/2005 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư là 2,5 tỉ USD.
    Tháng 8/2006 - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam quyết định là Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (gọi là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) theo Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2006. Tên giao dịch quốc tế là VIETNAM OIL AND GAS GROUP; gọi tắt là Petrovietnam, viết tắt là PVN.
    Từ đây, ngành Dầu khí Việt Nam bắt đầu một giai đoạn phát triển mới, với một vóc dáng mới tự hào. Phát huy những thành tích đạt được, tin tưởng mãnh liệt vào tương lai tươi dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẵn sàng vượt qua mọi thách thức, phấn đấu vươn lên không mệt mỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
    Ngày 27 tháng 11 năm 2011 Tập đoàn Dấu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã long trọng kỹ niệm 50 năm ngày truyền thống của mình. Kể từ ngày 27 tháng 11 năm 1961 khi đoàn địa chất 36 trực thuộc Tổng cục địa chất được thành lập cho đến nay, ngành dầu khí đã có những bước tiến vượt bậc trong hoạt động của mình, đã xây dựng được một ngành dầu khí khá hoàn chỉnh bao gồm 5 lĩnh vực quan trọng, nòng cốt là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Chế biến dầu; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện và Dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Chỉ tính riêng năm 2011, PVN đạt sản lượng khai thác 23,91 triệu tấn dầu quy đổi, doanh thu đạt 675,3 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 160,8 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 70% tổng nộp ngân sách của các công ty, tập đoàn nhà nước. Đây là con số cực kỳ có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn.
    Công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí được tiến hành cả trên đất liền (đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cữu long) và trên biển.
    Trên đất liền công tác tìm kiếm dầu khí được tiến hành từ những năm 60 của thế kỹ trước ở đồng bẳng sông Hồng. Ở trên biển, từ năm 1967-1970 đầu tiên là cơ quan hải quân Mỹ (US Navy Ocenographic office), tiếp đến là các công ty Alpine Geophysical Corporation, Ray Geophysical Mandrel đã tiến hành khảo sát địa chấn tổng hợp với từ, trọng lực trên toàn thềm lục địa Nam Việt Nam, Nam Biển Đông và Vịnh Thái Lan, sau đó công ty GSI đã tiến hành khảo sát 5000km tuyến địa chấn 2D khu vực biển miền Trung và quần đảo Hoàng Sa.Trong các năm 1973-1974 các công ty Pecten, Mobil Oil, Sunningdale, Esso, BHP, Marathon, OMO… đã tiến hành khảo sát địa vật lý chi tiết trên 17 lô. Kết quả khoan tìm kiếm thăm dò đã phát hiện dầu khí trên cấu tạo Dừa, phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên từ tầng Miocen với lưu lượng 2400 thùng dầu/ngày trên mỏ Bạch Hổ.
    Sau khi được thành lập (ngày 03/09/1975) Tổng cục Dầu Khí Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò từ bể An Châu, vùng trũng Hà Nội đến Đồng bằng sông Cửu Long và trên thềm lục địa phía Nam. Luồng không khí mới tràn vào ngành dầu khí chỉ sau khi Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, vào tháng 06 năm 1986. Cùng với chính sách mở cửa, đổi mới của Đảng, việc phát hiện ra thân dầu đặc biệt trong đá móng granitoit mỏ Bạch Hổ (năm 1988) không những đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu dầu đứng thứ 03 vùng Đông Nam Á mà còn là đòn bẩy hấp dẫn các công ty dầu khí đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí trở lại. Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký được 87 Hợp đồng dầu khí với các công ty dầu khí của Mỹ, Nhật, Nga, Anh, Malaysia, Ấn độ, Canada, Úc…..trong đó 60 Hợp đồng dầu khí đang còn hiệu lực bao gồm 46 Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC), 10 Hợp đồng điều hành chung (JOC), 03 Hợp đồng POC, 01 Hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC) và 01 hợp đồng hợp tác 2 bên với tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ USD.
    Trong những năm qua, ngành dầu khí Việt Nam đã tiến hành công tác tìm kiếm thăm dò với khối lượng rất lớn như khảo sát trên 107 nghìn km tuyến địa chấn 2D, 65 nghìn km2 địa chấn 3D, khoan hơn 980 giếng tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng và khai thác với tổng số mét khoan trên 3,3 triệu m.
    Kết quả phân tích, tổng hợp các số liệu thực tế đã xác định được sự tồn tại, làm sáng tỏ đặc trưng cấu trúc địa chất, hệ thống dầu khí các bể trầm tích Đệ tam của Việt Nam như bể Sông Hồng, bể Phú Khánh, bể Cữu Long, bể Nam Côn Sơn, bể Malay-Thổ Chu, bể Tư Chính-Vũng Mây và nhóm bể Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên do đặc điểm hình thành và phát triển riêng của từng bể trầm tích nên chúng có đặc điểm cấu trúc, địa tầng trầm tích cũng như các điều kiện về sinh, dịch chuyển và hình thành các tích tụ dầu khí của mỗi bể có khác nhau.
    Đến nay các nhà địa chất dầu khí đã phát hiện và xác định được tiềm năng dầu khí ở các bể trầm tích Đệ tam khoảng 4,3 - 6,0 tỷ tấn dầu quy đổi.
    Công tác tìm kiếm thăm dò trong thời gian qua đã phát hiện ra hàng loạt mỏ dầu khí có giá trị công nghiệp ở các bể trầm tích khác nhau. Nhiều mỏ đã được đưa vào khai thác như mỏ Bạch Hổ, cụm mỏ Rồng, Rạng Đông, Phương Đông, Ruby, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Cá Ngừ Vàng, Tê Giác Trắng bể Cữu long; Các mỏ Đại Hùng, Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây, Lan Tây - Lan Đỏ ở bể Nam Côn Sơn; Các mỏ Cái Nước, Sông Đốc (bể Malay-Thổ Chu) và mỏ khí Tiền Hải ở bể Sông Hồng.
    Đến thời điểm 01 tháng 01 năm 2012 Việt Nam đã khai thác trên 253 triệu tần dầu và hơn 72 tỷ m[SUP]3 [/SUP]khí. Ngoài ra còn nhiều mỏ khác đã được phát hiện và chuẩn bị đưa vào khai thác.
    Đặc trưng nổi bật của Việt Nam là sự hiện diện các mỏ dầu trong móng granitoit nứt nẻ trước Đệ tam, mà tiêu biểu là mỏ Bạch Hổ đã được phát hiện năm 1986 và đưa vào khai thác từ tháng 9 năm 1988. Sau Bạch Hổ đã phát hiện và đưa vào khai thác hàng loạt mỏ dầu khác trong móng ở bể Cữu Long như Đông Rồng, Đông Nam Rồng, Nam Rồng – Đồi Mồi, Phương Đông, mỏ Sư Tử Đen, mỏ Sư Tử Vàng, mỏ Rạng Đông, mỏ Cá Ngừ Vàng, mỏ Sư Tử Nâu, mỏ Thăng Long, mỏ Hải Sư Đen, mỏ Hổ Xám…với trữ lượng dầu và sản lượng dầu khai thác, tính đến 01/01/2012, chiếm trên 80% tổng trữ lượng dầu đã xác minh và tổng sản lượng dầu đã khai thác của Việt Nam.
    Các mỏ dầu trong móng granitoit nứt nẻ trước Đệ tam cũng đã được phát hiện ở bồn trũng Nam Côn Sơn (mỏ Đại Hùng, Thiên Ưng, Bồ Câu, Chim Sáo..), ở bồn trũng Sông Hồng (Hàm Rồng) và dự đoán sẽ phát hiện các mỏ dầu khí tương tự ở các bồn trũng khác nữa.
    Như vậy sự tồn tại các mỏ dầu khí trong móng granitoit nứt nẻ trước Đệ Tam mang tính chất phổ biến ở thềm lục địa Việt Nam.
    Kết quả nghiên cứu cho thấy, thân dầu trong đá móng granitoit là thân dầu không tiền lệ về mặt cấu trúc, về đặc trưng thấm chứa, về cơ chế hình thành cũng như về mức độ và phân bố sản phẩm.
    Việc phát hiện ra thân dầu trong móng nứt nẻ trước Đệ tam đã là việc làm khó khăn, nhưng làm thế nào để khai thác thân dầu này với hiệu quả kinh tế và hệ số thu hồi dầu khí cao nhất, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, trong hoàn cảnh đây là thân dầu đặc biệt, không có mỏ tương tự, chưa có tiền lệ, trên thế giới chưa có kinh nghiệm, là công việc khó khăn hơn nhiều.
    Một trong những thành tựu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn của PVN là đã đề xuất được hệ thống khai thác phù hợp mà quan trọng nhất là giải pháp bảo tồn áp suất vỉa thân dầu trong móng granitoit nứt nẻ bằng bơm ép nước.
    Xuất phát từ kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên mỏ kết hợp với mô phỏng vỉa cho thấy thân dầu trong móng ngoài những đặc điểm không tiền lệ như tầng chứa nứt nẻ đặc trưng bởi 2 độ rỗng, 2 độ thấm, thuộc lại ưa nước và trong móng có sự giao thoa theo nhiều phương, nhiều hướng khác nhau. Đây là những cơ sở khoa học vững chắc để đưa ra các nguyên tắc chính trong giải pháp là bơm đúng lúc, bơm đúng chỗ và bơm đúng khối lượng.
    Nhờ giải pháp bơm ép nước nhằm bảo tồn áp suất vỉa đối với thân dầu trong móng mỏ Bạch Hổ mà hệ số thu hồi dầu khí tăng từ 18% bằng phương pháp khai thác sử dụng năng lượng tự nhiên lên tới 43% (theo dự đoán năm 2008). Đến thời điểm 01/01/2012 HSTHDK của thân dầu này đã đạt tới 32,87%. Có nghĩa là nhờ giải pháp bơm ép nước mà đã khai thác bổ sung được khoảng 75 triệu tấn dầu. Sau khi trừ đi các khoản chi phí khác, với giá dầu trung bình 300,8 USD/tấn (là giá dầu bình quân của mỏ Bạch Hổ trong giai đoạn 1987 – 2011) thì lợi nhuận mang lại, nhờ áp dụng giải pháp này, khoảng hơn 15 tỷ USD.
    Có thể thấy rằng giải pháp bảo tồn áp suất vỉa bẳng bơm ép nước không những là đóng góp quan trọng cho khoa học và công nghệ dầu khí mà còn mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn cho Tổ quốc
     

Chia sẻ trang này